Thông tin ban đầu, vào 22h tối 6/8, tại khu 4 (phường Vàng Danh, TP. Uông Bí), hai nhóm thanh niên do mâu thuẫn cá nhân đã dẫn tới xô xát.
Hoàng Ngọc Thắng (SN 1982, trú phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) ngã ra hè phố và bị một người lái xe ôtô bán tải chèn qua người làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó đối tượng đã bỏ đi khỏi hiện trường.
Hiện trường vụ việc và chiếc xe ôtô được sử dụng để chèn qua người Hoàng Ngọc Thắng, gây tử vong. (Ảnh: Vũ Miền/ VOV Đông Bắc). |
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Quốc Quốc Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, khi đủ tài liệu liên quan, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án để điều tra làm rõ theo quy định.
Luật sư cho rằng, trong vụ việc nêu trên, hậu quả của vụ tai nạn giao thông đã làm nam thanh niên thiệt mạng. Tuy nhiên, thông tin không đề cập tới việc tại thời điểm gây tai nạn, người lái xe có vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ hay không.
Để xác định lỗi trong các vụ tai nạn giao thông một cách cẩn trọng, chính xác, thông thường cơ quan chức năng sẽ phải tái diễn lại những gì đã xảy ra qua hoạt động khám nghiệm hiện trường, xem xét, đánh giá dấu vết trên phương tiện, mặt đường, ghi lời khai của những người liên quan để có kết luận chắc chắn nhằm tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Luật sư cho rằng, để xét yếu tố lỗi của người lái xe trong vụ việc này, sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, tại thời điểm gây tai nạn xác định được người lái xe đã vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ (chạy quá tốc độ, sử dụng chất kích thích, chạy sai phần đường, làn đường,...). Trường hợp thứ hai, khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện không vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trong trường hợp thứ nhất, Cơ quan CSĐT phải làm rõ hành vi của người lái xe ô tô bán tải có đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ hay không.
Vị luật sư lý giải, về hành vi khách quan là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản (Khoản 1, Điều 3, Thông tư liên tịch số: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC).
Về việc xác định lỗi trong vụ án tai nạn giao thông, hình thức lỗi là vô ý (Điều 11 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong trường hợp này, người lái xe chỉ có ý thức cho rằng nếu vi phạm luật giao thông đường bộ thì cũng không đến mức gây hậu quả chết người.
Với các dấu hiệu trên thì người điều khiển phương tiện đã gây ra tai nạn giao thông sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong trường hợp thứ hai, khi tai nạn xảy ra, người điều khiển phương tiện đã chấp hành đúng quy định về điều khiển giao thông đường bộ thì vụ tai nạn được coi là sự kiện bất ngờ. Ở trường hợp này, người thực hiện hành vi nguy hại cho xã hội không có lỗi trong việc gây ra hậu quả.
Luật sư Thanh nói thêm, trong vụ việc này, giả sử trường hợp người điều khiển ô tô đi đúng tốc độ, làn đường nhưng nam thanh niên bất ngờ ngã ra hè phố đúng lúc chiệc xe ô tô đi tới mà người lái xe bị khuât tầm nhìn không thể quan sát thì hành động của nam thanh niên trong trường hợp này được coi là một sự kiện bất ngờ theo quy định nêu trên.
Bởi vậy, theo luật sư, người lái xe ô tô không có lỗi trong trường hợp này.
Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, người lái xe ô tô đã bỏ trốn khỏi hiện trường thì có thể xem xét áp dụng theo điểm b, Khoản 7, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng./.
Tác giả: Lê Tùng
Nguồn tin: Báo VOV