Quy trình ra đề thi có lỗ hổng ra sao?
Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 kết thúc, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học tại Hà Nội đưa ra thông tin đề thi Sinh giống 80% so với đề ôn luyện của giáo viên Phan Khắc Nghệ ở Hà Tĩnh. Các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh sự việc.
Tối 11/6, Bộ GD-ĐT cho biết, đơn vị này đã ghi nhận một số yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học.
Cụ thể, tháng 8-2021, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, đồng thời chủ động phối hợp cùng cơ quan công an thành lập Tổ công tác liên ngành để xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan.
Kết quả xác minh cho thấy có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, Bộ GD-ĐT vẫn đang phối hợp với Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.
Ảnh chụp màn hình so sánh đề thi môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ và đề chính thức của Bộ GD-ĐT (Ảnh: Đ.H). |
Tài liệu chúng tôi có được, tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GD-ĐT đã có biên bản về sự việc.
Theo đó, Bộ Công an nêu rõ dựa trên các tư liệu là 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, bản pdf đề Vip40 được thầy Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh, 3 video live và các tệp được thầy Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My - Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh, ông Bùi Văn Sâm - thành viên Tổ thẩm định, các tệp bà Phạm Thị My gửi thầy Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015-2018 và 2021…, tổ chuyên gia đã xác minh thấy có nhiều điểm bất thường.
Theo đó, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy, các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.
Một điểm đặc biệt cũng được chỉ ra, khi các chuyên gia đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì thấy, trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỉ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ…
Còn cá nhân nào liên quan đến vụ lộ đề thi Sinh?
Điều đáng nói, kết quả trên đây không được Bộ GD-ĐT công bố công khai. Khoảng tháng 11/2021, thầy Đinh Đức Hiền tiếp tục gửi email cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và gửi tin nhắn đến một số đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn nội dung này tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 khóa XV.
Sau kỳ họp, Bộ trưởng Sơn có trả lời email cho biết, vẫn đang tiến hành xác minh sự việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tháng 12/2021, Bộ GD-ĐT cho biết, bước đầu ghi nhận có kẽ hở trong quy trình ra đề thi tạo cơ hội cho một số cá nhân khai thác.
Bộ Công an sẽ gửi thông tin đến nhân dân một cách chính xác, đầy đủ và sớm nhất khi có kết luận về vụ việc.
Cả tập thể duyệt đề, sao vẫn để đề thi giống 80% so với đề ôn tập? (Ảnh: T.L). |
Dư luận đặt ra thắc mắc: Nếu ngân hàng đề thi môn Sinh học đủ nhiều (ví dụ 1.000 câu) và quá trình rút đề thô là ngẫu nhiên, thì xác suất để 4 đề thô trước khi chốt có hơn 90% câu hỏi trùng nhau là cực kỳ nhỏ.
Kể cả cho dù đây là kết quả của quá trình rút đề ngẫu nhiên thì việc rà soát, chỉnh sửa để chốt 4 đề thô bởi con người cũng dễ dàng phát hiện ra vấn đề này.
Đảm bảo việc này là trách nhiệm của cả tập thể bao gồm người viết, rà soát chỉnh sửa từng câu hỏi và người duyệt đưa câu hỏi này vào đề thi, người duyệt đề thi nhưng tại sao vẫn để đề thi môn Sinh giống 80% so với đề ôn tập của một giáo viên khác trước kỳ thi?
Liệu còn cá nhân nào liên quan hay chỉ có những người đứng đầu phụ trách việc duyệt đề phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Dân trí trước đó, Tiến sỹ Phạm Ngọc Duy, Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) cho rằng, đầu tiên cần rà soát và tài liệu hóa, phê duyệt các quy trình xây dựng để đảm bảo chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, cần có các cơ chế và công cụ kiểm soát chất lượng như biên bản kiểm tra chất lượng, các checklist kiểm tra các khía cạnh khác nhau của tiểu mục và đề thi trước khi được đem ra xây dựng đề chính xác. Ví dụ, cần có mục kiểm tra tính mới của các tiểu mục, cần có người đối chiếu sự trùng lặp giữa các đề thô chốt.
Thứ ba, cần phân cấp chịu trách nhiệm từng bước trong quá trình xây dựng và phê duyệt đề thi để có chế tài xử lý khi có sai sót xảy ra.
Điểm cuối cùng mà Tiến sỹ này đưa ra, cần có kênh tiếp nhận và xử lý những phản hồi từ học sinh, giáo viên và xã hội về các vấn đề của đề thi.
Một chủ biên sách giáo khoa môn Sinh, đồng thời từng nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học cũng chia sẻ, đề thi tốt nghiệp giống nội dung ôn tập đến hơn 90% là bất thường.
Về mặt lý thuyết, nếu đề làm ngẫu nhiên, thì xác suất trùng như vậy là không tưởng.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT hiện tại cần được điều chỉnh, không chỉ riêng môn Sinh học, mà còn những môn khác, bởi nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau vẫn xảy ra tình trạng như năm nay thì quá lo ngại.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí