Quang cảnh hội nghị |
Với dự báo tình hình thời tiết cũng như đưa ra nhận định về tình hình nguồn nước, tình hình sâu bệnh hại; đồng thời phân tích những thuận lợi, khó khăn, Sở NN&PTNT đã đưa ra phương án, mục tiêu Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu – Mùa năm 2024.
Theo Đề án sản xuất, vụ Hè Thu – Mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đạt 412.980 tấn lương thực, trong đó, diện tích trồng lúa phấn đấu đạt hơn 79.000 ha với sản lượng đạt khoảng hơn 378.000 tấn; diện tích ngô phấn đấu đạt 12.000 ha với sản lượng gần 140.000 tấn; diện tích cây lạc phấn đấu đạt 680 ha với sản lượng khoảng hơn 1.400 tấn; diện tích đỗ các loại phấn đấu đạt 2.200 ha với sản lượng khoảng hơn 1.900 tấn; diện tích rau các loại phấn đấu đạt hơn 11.400 ha với sản lượng khoảng 171.000 tấn...
Doanh nhân, thương binh Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm để vụ Hè, Thu – Mùa thắng lợi |
Đ/c Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ một số kinh nghiệm và kết quả đạt được của huyện đối với sản xuất vụ Hè Thu – Mùa hàng năm |
Dự báo năm nay sản xuất vụ Hè Thu - Mùa trong điều kiện thời tiết có nguy cơ nắng nóng hạn hán cao vào đầu vụ và cuối vụ dễ gặp mưa bão. Theo tính toán vụ Hè Thu - Mùa năm nay sẽ có trên 4.200/ tổng số 79.500 ha lúa có nguy cơ hạn thiếu nước tưới. Cùng với đó, nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh gây hại mạnh trong vụ Hè thu – Mùa.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế, cụ thể từng vùng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở những vùng không có nước suốt cả vụ, sản xuất không an toàn, kém hiệu quả trong vụ Hè thu - Mùa sang các cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn để đảm bảo sản xuất an toàn, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, mở rộng diện tích các cây trồng theo hướng an toàn để nâng cao giá trị nông sản; đẩy mạnh tập trung ruộng đất, liên kết giữa nông dân và các tổ chức như hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, ổn định sản xuất.
Dự báo và xác định vấn đề về nước sản xuất, tưới tiêu là vấn đề khó khăn nhất trong sản xuất vụ Hè Thu – Mùa, tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Chi cục Thủy lợi có phương án điều tiết nước hợp lý; đồng thời phải truyền tải thông điệp tiết kiệm nước đến người dân địa phương trong toàn tỉnh. Cùng với đó, một số ý kiến đề nghị hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện nạo vét một số tuyến kênh mương trọng điểm, dựng các trạm bơm dã chiến để phục vụ tưới tiêu trong thời gian cao điểm về hạn hán.
Đ/c Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT kết luận hội nghị |
Để tổ chức triển khai sản xuất vụ Hè Thu - Mùa năm 2024 đạt kết quả cao về cả diện tích, năng suất, sản lượng, hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai, dịch bệnh gây ra, ngoài các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Đề án, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh đề nghị các địa phương trên cơ sở Đề án sản xuất của tỉnh, xây dựng đề án sản xuất cụ thể, sát với thực tế của mình nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội, phù hợp với tình hình thực tế và các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực, quyết liệt để đảm bảo giành thắng lợi. Xem nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu - Mùa là nhiệm vụ chính trị quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chỉ đạo sản xuất.
Người đứng đầu Ngành NN&PTNT đề nghị các Sở, ngành, địa phương thực hiện kịp thời vụ gieo cấy lúa Hè Thu với phương châm “Càng sớm càng tốt” và đặt an toàn, hiệu quả lên trên hết; phải xem xét thời điểm thu hoạch lúa Xuân, khả năng phân phối nước để chọn thời điểm ra mạ, gieo thẳng và cơ cấu giống để khép kín diện tích và tránh mưa lụt, bão, áp thấp nhiệt đới cuối vụ. Đối với các loại cây hoa màu ngắn ngày (ngô, lạc, vừng, đậu đỗ, rau các loại), sau khi thu hoạch vụ Xuân, cần chủ động tranh thủ đất đủ độ ẩm để làm đất gieo ngay.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo dịch hại ngay từ giai đoạn mới phát sinh. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các đối tượng dịch hại như: Sâu cuốn lá nhỏ, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, nhện gié, bệnh lùn sọc đen,... trên cây lúa và sâu keo mùa thu trên cây ngô.
Ngành NN&PTNT cùng với các địa phương xây dựng phương án chống hạn, phương án tưới hợp lý đảm bảo chủ động ứng phó khi hạn hán xẩy ra. Tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét thông thoáng kênh mương, thực hiện tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ và bố trí lịch cắt nước cụ thể phù hợp để phục vụ tốt, kịp thời công tác tưới tiêu cho sản xuất.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... tại các địa phương theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước. Đảm bảo hàng hoá phục vụ sản xuất, lưu thông trên thị trường có chất lượng tốt, giá cả hợp lý phục vụ kịp thời cho sản xuất.
Mặt khác, tiếp tục, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất nông sản, rau, củ, quả, chè an toàn theo SRI, IPM, VietGAP, Hữu cơ...
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn