Pháp luật

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Y án chung thân bị cáo 253 lần nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng

Toà cấp phúc thẩm đánh giá bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, và cựu cục trưởng Cục lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ nhiều lần, số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc dư luận nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Trong phần tuyên án vụ "Chuyến bay giải cứu" sán nay 27-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo của 3 bị cáo bị tuyên án sơ thẩm chung thân, gồm: Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên; cựu cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Anh Tuấn, cựu phó trưởng phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an). Theo đó, cả 3 bị cáo bị tuyên y án chung thân.

Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên toà cấp phúc thẩm

Theo bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, bị cáo Phạm Trung Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế song đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn cho các đại diện tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu. Kiên gây khó khăn để các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu.

Bản án cáo buộc dù bị cáo Phạm Trung Kiên không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay, nhưng lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền. Theo đó, bị cáo này đã nhận tiền 253 lần, tương đương 42,6 tỉ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu.

Trước phiên phúc thẩm, Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ. Tuy nhiên, Phạm Trung Kiên và cựu cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ nhiều lần, số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc dư luận nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cần phải có hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.

Phiên tòa xử đại án "chuyến bay giải cứu"

Theo bản án phúc thẩm, trong số các bị cáo nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn có hành vi đòi hỏi, sách nhiễu, đưa ra giá "chung chi" và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép. Các bị cáo khác dù không yêu cầu nhưng đều gặp gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước hoặc sau khi tổ chức xong chuyến bay được các doanh nghiệp chi tiền cảm ơn.

Hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ. Hành vi của các bị cáo xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Bên cạnh đó, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội cũng tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù) về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp.

Toà cũng chấp nhận một phần kháng cáo của cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân và tuyên ông này được giảm 1 năm tù so với án sơ thẩm. Ông Tân bị tuyên phạt 5 năm tù (án sơ thẩm 6 năm) về Tội nhận hối lộ.

Tác giả: Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP