Đại sứ Karlov Andrei Gennadyevich bị bắn tại một triển lãm nghệ thuật ở Ankara. Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ việc gây tổn hại cho quan hệ Nga - Thổ, hai quốc gia cùng có những lợi ích sống còn ở Syria.
Vào tháng 11/2015, Kremlin đã vô cùng tức giận khi một chiến đấu cơ của Nga bị không lực Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Nga phủ nhận cáo buộc máy bay xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và gọi hành động này là một 'khiêu khích có tính toán bởi những kẻ ủng hộ khủng bố'.
Ngay sau đó, chính quyền Tổng thống Putin đã áp một loạt đòn trừng phạt nhằm vào Ankara. Nhiều hãng lữ hành của Nga cũng ngừng đưa khách du lịch sang Thổ Nhĩ kỳ.
Tháng 9 năm nay, Nga bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về những hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trong bối cảnh Moscow tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống Bashar al Assad.
Trước đó đã có một loạt các cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vốn đã mong manh ở Syria khi tấn công các lực lượng người Kurd ở miền bắc đất nước nội chiến này. Và để trả đũa, Nga cắt đứt tuyến tiếp tế chính của Thổ Nhĩ Kỳ tới quân nổi dậy ở Aleppo.
Nga cũng yểm trợ cho chính quyền của Tổng thống al-Assad trong khi cho phép Các đơn vị Bảo vệ Người Kurd (YPG) kiểm soát vùng đất tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới nhiều nhận định rằng Moscow có thể đang khiến Ankara bẽ bàng.
Trở lại vụ ám sát nhằm vào đại sứ Andrey Karlov, các chuyên gia cho rằng sự kiện này sẽ gây tổn hại lớn cho danh tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ ở tầm quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vụ việc là hành động gây hấn nhằm làm phá hỏng quan hệ Nga – Thổ, và cản trở nỗ lực của Nga trong việc tìm kiếm giải pháp tại Syria. Tại cuộc họp đặc biệt ở Kremlin, Putin tuyên bố muốn biết đích xác ai là người đã "chỉ đạo" tay súng ám sát Đại sứ Andrei Karlov.
Quan hệ Nga - Thổ dường như đã được cải thiện sau vụ đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7. Khi đó, Tổng thống Putin đã ủng hộ người đồng cấp Erdogan sau khi một số thành viên quân đội định lật đổ chính phủ.
Vào tháng 8, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ở St. Petersburg, Nga, để cải thiện quan hệ song phương.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể nhất trí với nhau về Syria. Và đầu năm nay, chuyên gia quân sự Alexander Golts nhận định: "Tôi nghĩ cho đến giờ, họ vẫn chưa có một quyết định dứt khoát, bởi vì rõ ràng là các lợi ích của họ đang va đụng ở Syria".
Tác giả bài viết: Thanh Hảo
Nguồn tin: