Dưa hấu nổi tiếng là loại quả mang lại cảm giác ngọt mát với hàm lượng nước cao. Những quả dưa hấu trong siêu thị làm sao bằng dưa hấu cây nhà lá vườn tươi mát. Vậy tại sao không thử trồng một vườn dưa hấu nhỉ? Bạn lo lắng vì không có đủ không gian ư? Chúng tôi xin bật mí rằng bạn hoàn toàn có thể trồng dưa hấu trong chậu trên ban công dưới dạng “vườn treo” dựng đứng nhé! Cực kỳ tiết kiệm diện tích, cho quả ngon ngọt mà lại đẹp mắt và độc đáo đấy!
Gieo hạt
Dưa hấu là loại cây sinh trưởng tốt hơn khi được gieo từ hạt vào mùa đông hoặc mùa xuân (đặc biệt là khi nhiệt độ vào khoảng 19 độ C). Mỗi hạt cần ít nhất 6-10 ngày để nảy mầm. Nên gieo hạt thật thưa hoặc mỗi chậu chỉ sử dụng một cây con khỏe mạnh nhất để cây có thể hấp thụ được nhiều dưỡng chất từ đất.
Chọn chậu cây
Do dưa hấu có rễ khá dài nên chọn loại chậu có đáy sâu là tốt nhất. Ngoài ra, chậu cũng cần rông nhất có thể để chứa được nhiều đất cho cây phát triển và cũng dễ chăm bón hơn.
Yêu cầu khi trồng
Dưa hấu nên được trồng ở nơi nhiều nắng. Nếu trồng trên ban công chật hẹp thì nên lắp lưới mắt cáo cho cây leo để tiết kiệm diện tích. Lưu ý rằng lưới phải đủ chắc để chịu được trọng lượng của dưa hấu.
Nhiệt độ
Mặc dù dưa hấu là loại cây ưa thời tiết ấm áp nhưng chúng hoàn toàn có thể được trồng ở cả vùng nhiệt đới và ôn đới một cách dễ dàng. Dưa hấu ưa nhiệt độ từ 18-30 độ C – rất thích hợp trồng ở Việt Nam ta.
Đất
Loại đất ưa thích của dưa hấu là đất giàu mùn với độ pH khoảng 6-6,8 và thoát nước tốt. Ngoài ra, sử dụng phân động vật để bón cho đất sẽ cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây phát triển tốt hơn. Bạn hoàn toàn có thể ủ phân rác tại nhà để tăng cường dưỡng chất cho cây mà không sử dụng quá nhiều chất hóa học.
Tưới tiêu
Dưa hấu cần rất nhiều nước nên phải tưới cây thường xuyên, giữ cho đất luôn ẩm (nhưng không được trũng nước, đáy chậu phải thoát nước tốt). Khi mới trồng dưa hấu, cần tưới nước mỗi ngày 1 lần (thậm chí là mỗi ngày 2 lần khi thời tiết hanh khô) nhưng khi cây đã bắt đầu lớn và sinh trưởng tốt thì cần giảm tưới để tránh cây bị ngập úng. Trong thời điểm đó, cần tưới nước cẩn thận và vừa phải, tránh quá nhiều hoặc quá ít để thu hoạch được những quả dưa ngọt mát.
Bón phân
Sử dụng phân bón lỏng để bón cho cây. Chỉ bón phân khi cây bắt đầu ra hoa và chuẩn bị ra quả. Lưu ý sử dụng loại phân ít đạm.
Tỉa cây
Để có một cây dưa hấu khỏe mạnh và cho năng suất cao, nên cắt bớt các nhánh phụ, chỉ tập trung chất dinh dưỡng cho một nhánh chính. Ngoài ra, cần thường xuyên cắt tỉa những cành bị hỏng hoặc bị bệnh.
Thụ phấn
Dưa hấu sẽ ra cả hoa cái và hoa đực và các “cán bộ thụ phấn” – kiến hoặc ong bướm sẽ thụ phấn cho hoa. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình thụ phấn và tránh để sót hoa thì bạn nên tự thụ phấn cho cây bằng tay. Sau khoảng 40 ngày kể từ khi thụ phấn, quả sẽ bắt đầu chín.
Sâu bệnh
Trồng dưa hấu trong chậu mang lại lợi thế là bạn có thể quan sát và phát hiện sâu bệnh kịp thời và đưa ra biện pháp xử lý thích hợp. Các loại rệp và bọ dưa chuột thường gây ảnh hưởng xấu tới cây.
Thu hoạch
Thời gian thu hoạch phụ thuộc vào khí hậu và thời tiết từng cùng miền. Nhìn chung, sau khoảng 80-90 ngày kể từ lúc gieo hạt và 30-50 ngày từ lúc ra hoa, chúng ta có thể thu hoạch dưa hấu. Hoa và quả sẽ ra liên tục nếu bạn chăm tưới bón và thời tiết thuận lợi.
Để nhận biết quả chín, bạn có thể dùng tay gõ vào vỏ dưa; nếu nghe thấy tiếng kêu rỗng thì tức là quả đã chín và có thể thu hoạch được rồi. Hoặc khi tua cuốn bắt đầu ngả màu và chết dần, quả bắt đầu chín hoặc đã bị chín quá rồi đấy!
Lưu ý |
Tác giả bài viết: Ngọc Anh
Nguồn tin: