Trong tỉnh

Viết tiếp vụ chơi phường hụi ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An: Công an huyện cần khởi tố vụ án

Chúng tôi đã đăng bài " Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - Những cảnh ngộ đau lòng do chơi phường hụi", phản ánh thực trạng năm 2016 - 2017 cơn bão phường hụi quét qua nhiều xã của huyện Yên Thành khiến cho nhiều gia đình điêu đứng, tan cửa nát nhà.

Tuy nhiên theo đơn phản ánh của nhiều người dân, có nhiều đối tượng đã lợi dụng việc vỡ nợ để quỵt tiền, nhiều đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương nhưng công an vẫn chưa vào cuộc điều tra…

Ôm hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đình Hinh, sinh năm 1969, trú tại xóm 3 xã Bảo Thành, thì đối tượng Phạm Thị Thương, trú tại xóm 6, xã Liên Thành đã lợi dụng sự tín nhiệm, vay nợ của rất nhiều người với số tiền trên 40 tỷ đồng. Riêng ông Hinh, Thương đã lừa để vay 3,4 tỷ đồng trong một thời gian ngắn rồi tuyên bố vỡ nợ. Đau xót cho những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình bị Thương lợi dụng vay rồi quỵt nợ, ông Hinh đã viết đơn tố cáo Thương gửi cơ quan Công an huyện Yên Thành.

Thế nhưng sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân, mặc dù chưa làm rõ được số tiền mà Thương vay của nhiều người, đã được Thương sử dụng như thế nào, nhưng Công an huyện Yên Thành đã ra thông báo tạm dừng xác minh đơn tố cáo của công dân. Bản thân Thương hiện nay đã trốn khỏi địa phương.

Theo ông Hinh, do Thương đã trốn khỏi địa phương, Công an huyện Yên Thành thì dừng xác minh tố cáo, đã khiến gia đình ông như ngồi trên đống lửa, vợ đổ bệnh, nhà cửa đã gán cho ngân hàng, bây giờ hoàn cảnh không biết nhìn vào đâu.

Chị Trần Thị Oanh, trú tại xóm Ngã Tư, xã Công Thành cho Thương vay hơn 5,6 tỷ đồng, mặc dù chị đã đi đòi hàng chục lần, nhưng Thương vẫn không chịu trả. Hỏi Thương vay nhiều người với số tiền lớn như vậy thì làm vào việc gì hay cho ai vay thì Thương đều không nói. Sau khi gia đình chị Oanh làm đơn khởi kiện ra tòa và thắng kiện, buộc Thương phải trả số tiền trên cho chị Oanh, nhưng Thương vẫn không chịu trả. Điều khiến chị Oanh bức xúc nhất là tại sao nhiều gia đình làm đơn tố cáo nhưng Công an huyện Yên Thành sau khi nhận đơn một thời gian lại ra thông báo tạm dừng xác minh. Trong khi đó những khuất tất như việc Thương vay nợ của các gia đình này sau đó cho ai vay lại, dùng để làm gì lại không được Công an huyện Yên Thành làm rõ.

Chị Oanh cũng cho biết thêm, khi vay tiền thì Thương dẫn về nhà mình là một ngôi nhà khang trang, có cả xe ô tô nên nhiều người rất tin tưởng khả năng trả nợ của Thương. Thế nhưng khi bắt đầu xảy ra tình trạng vỡ nợ trên địa bàn huyện Yên Thành vào năm 2016, Thương lại chuyển nhượng ngôi nhà khang trang đó cho anh em trong gia đình rồi về xây 2 gian nhà tạm trong vườn của ông bà để qua mặt thiên hạ. Được một thời gian thì cả hai vợ chồng Thương đều đi khỏi địa phương.

Người dân tố cáo Phạm Thị Thương lừa đảo là có cơ sở.

Qua tìm hiểu tập đơn tố cáo Phạm Thị Thương của hàng chục người gửi Công an huyện Yên Thành, cho thấy, việc Thương lợi dụng tín nhiệm vay tiền của nhiều người là có thật, cụ thể; Đơn của chị Đậu Thị Nhâm (vợ ông Nguyễn Vĩnh Tám) tố cáo Thương vay của chị 5,57 tỷ đồng. Đơn của bà Phạm Thị Thành,trú tại xóm 2 xã Viên Thành, tố cáo Thương vay của bà 650 triệu đồng. Đơn của bà Trần Thị Hiền, trú tại xóm Vân Đình, xã Khánh Thành, tố cáo Thương vay của bà 1,6 tỷ đồng. Đơn của bà Nguyễn Thị Thu, trú tại xóm 6, xã Liên Thành, tố cáo Thương vay của bà 1,7 tỷ đồng…

Đặc biệt đơn của ông Nguyễn Đình Hinh, trú tại xóm 3 xã Bảo Thành, gửi Lãnh đạo Công an huyện Yên Thành, ông Hinh đã nêu rất cụ thể từng lần Thương đến vay tiền của ông như: Ngày 25/6/2016, Thương vay của ông 200 triệu đồng; ngày 28/6/2016, Thương vay của ông 600 triệu đồng; ngày 21/7/2016, Thương vay của ông 200 triệu đồng... Tổng cộng Thương vay của ông Hinh 3,4 tỷ đồng tiền mặt, lấy tiền tại nhà, mỗi lần vay đều có viết giấy vay, hẹn ngày trả rõ ràng. Tuy nhiên đến ngày trả Thương lại không chịu trả. Biết mình đã ăn phải trái đắng, đã rất nhiều lần ông Hinh đến đòi nợ gốc ở Thương nhưng Thương cứ khất lần khất hồi,ngày này qua ngày khác và sau đó thì trốn khỏi địa phương. Điều bức xúc nhất của ông Hinh là một lúc, Thương vay của rất nhiều người với số tiền lớn nhưng không chịu trả cho ai, buôn bán thì không nên có thể khẳng định mục đích của Thương là lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo tiền của người khác.

Cùng cảnh ngộ với ông Hinh là ông Nguyễn Vĩnh Tám, xóm Ngã Tư, xã Công Thành. Vợ chồng ông Tám là một trong những người bị Thương lừa vay nhiều nhất với 1,9 tỷ tiền mặt và gần 4 tỷ tiền phường. Theo ông Tám, do vợ ông nhẹ dạ cả tin nên mới dẫn đến bị Thương lừa như vậy. Thương vay tiền của chị Nhâm xong, quay lại mua vàng ở cửa hàng chị để cất là một điều hoàn toàn vô lý. Cứ mỗi lần đến vay tiền,Thương đều ăn mặc sang trọng, đi ô tô đắt tiền, mua những cân nho Mỹ trị giá hàng triệu đồng làm quà, tạo sự giàu sang giả tạo nhằm che mắt mọi người để làm vỏ bọc vay tiền xong rồi quỵt nợ…đây là biểu hiện của hành vi lừa đảo có tính toán.

Nguyện vọng của ông Nguyễn Đình Hinh là đề nghị Công an huyện Yên Thành

truy tố Phạm Thị Thương về tội lừa đảo.

Công an huyện Yên Thành cần vào cuộc điều tra làm rõ.

Trong Thông báo số 21/TB/CAH, Thông báo số 24/TB/CAH ngày 15/4/2017 của Công an huyện Yên Thành gửi cho ông Hinh, bà Nhâm có nội dung như sau " Việc chị Thương vay của anh Hinh, chị Nhâm là đúng, tuy nhiên hiện vẫn chưa chứng minh được có phạm tội hay không, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã tạm dừng việc xác minh tin báo tố giác tội phạm theo quy định. Khi có căn cứ, tài liệu mới, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Yên Thành sẽ tiếp tục điều tra xác minh."

Trong Thông báo này, Công an huyện Yên Thành xác nhận quan hệ vay mượn giữa Phạm Thị Thương và các cá nhân nói trên là quan hệ vay mượn dân sự là đúng. Tuy nhiên đó là vay mượn dân sự thuần túy, giúp đỡ nhau khi khó khăn cơ nhỡ. Nhưng ở đây Thương dùng thủ đoạn vay của nhiều người, vay rồi không chịu trả, khi vay thì dùng vỏ bọc giàu có, nhưng đến hạn lại không chịu trả, không viết lại giấy hẹn, không trực tiếp gặp lại người vay để thương lượng và có phương án chốt lại tiền nợ… là điều không thể chấp nhận được trong quan hệ dân sự.

Cũng có những con nợ vay của người này trả cho người khác, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến vỡ nợ thì có thể chấp nhận được. Thế nhưng ở đây, Thương chỉ biết vay, nhưng không biết trả với một số tiền hơn 40 tỷ đồng thì có thể xem là lừa đảo. Vay không chịu trả khiến cho bao chủ nợ của Thương phải bỏ trốn khỏi địa phương như bà Nguyễn Thị Thu ở xóm 6, bà Phạm Thị Thành, xóm 22, bà Trần Thị Lục, xóm 7, xã Liên Thành…đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, làm bao nhà ly tán.

Vì vậy các công dân nói trên cần làm lại đơn tố cáo, cung cấp thêm những chi tiết mới để Công an huyện Yên Thành có cơ sở điều tra nhằm đưa đối tượng Phạm Thị Thương ra truy tố theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đồng thời đây cũng là bài học đắt giá cho những ai nhẹ dạ cả tin khi chỉ thấy lợi trước mắt nhưng không nghĩ đến hậu quả sau này khi giao dịch vay mượn bằng những tờ giấy viết tay đơn giản.

Tác giả: Nguyễn Hữu Mai

Nguồn tin: ngaymoionline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP