Trong tỉnh

Vì sao Nghệ An vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư về du lịch?

Doanh nghiệp du lịch tại Nghệ An chủ yếu có quy mô nhỏ, Cơ sở lưu trú từ 3-5 sao và tương đương chiếm tỷ lệ nhỏ. Sản phẩm quà tặng du lịch còn nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã, giá thành chưa hợp lý; còn ít sản phẩm quà tặng được thiết kế riêng, mang bản sắc của địa phương khiến du lịch Nghệ An chưa thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng.

9 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đạt 7.300.000 lượt bằng 123% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 4.680.000 lượt, bằng 123% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đạt 53.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 17.149 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 6.730 tỷ đồng…

Tỉnh Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, có tuyến đường bộ (quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam), đường sắt xuyên Việt, có cảng biển Cửa Lò, sân bay quốc tế Vinh, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam với biển Đông qua quốc lộ 7, quốc lộ 8 và trong tương lai sẽ là tuyến đường cao tốc quốc tế nối liền Viêng Chăn - Pakxan (Lào) với Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy rất thuận lợi cho các hoạt động giao lưu hợp tác kinh tế, văn hoá và du lịch với các nước trong khu vực.

Đảm bảo ANTT tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), góp phần thu hút du khách.

Nghệ An hội tụ các yếu tố như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình (đồng bằng, trung du, miền núi, biên giới, biển và đảo), các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú. Nổi bật là hệ sinh thái rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây Nghệ An, hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á được UNESCO công nhận năm 2007 với hơn 1300km2. Có bờ biển dài trên 82km, phẳng, cát trắng mịn, nước trong, thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển.

Nghệ An còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày văn hoá và truyền thống cách mạng với lịch sử, có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa Nghệ An phong phú về số lượng và thể loại, toàn tỉnh hiện có 6 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia, 330 di tích cấp tỉnh… Có nền văn hoá bản địa phong phú, nổi bật là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ An có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú nên thuận lợi để có thể thiết lập hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn như: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Về lượng khách và tổng thu du lịch của tỉnh trong những năm qua luôn nằm trong tốp 10 của cả nước. chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đạt 7.300.000 lượt bằng 123% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 4.680.000 lượt, bằng 123% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đạt 53.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 17.149 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 6.730 tỷ đồng, bằng 137% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù thế theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An thì: Ngành du lịch Nghệ An có khát khao phát triển và mở rộng không gian phát triển tuy nhiên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, có sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đẳng cấp và mang tính đột phá để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn. Mặc dù trong 9 tháng đầu năm, Nghệ An xếp thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư, tuy nhiên, trong 10 năm qua, chưa có nhà đầu tư lớn đến Nghệ An đầu tư phát triển du lịch.

Trăn trở về vấn đề này, người đứng đầu ngành du lịch Nghệ An cho biết thêm: Kết cấu hạ tầng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, nhất là trong bối cảnh nhu cầuđi lại của khách đang tăng lên nhanh chóng, thiếu điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ trọng yếu; khoảng cách giữa các điểm du lịch trong tỉnh khá xa nhau, trong khi hạ tầng giao thông kết nối các điểm còn hạn chế (đặc biệt là đường giao thông kết nối từ đường quốc lộ, tỉnh lộ đến các khu, điểm du lịch). Hạ tầng dịch vụ y tế, viễn thông, điện, nước... tại các trọng điểm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách mùa cao điểm. Nguồn nhân lực du lịch thì thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, hình thức còn đơn điệu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao… cũng là một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp lớn chưa thiết tha vào đầu tư, phát triển du lịch tại Nghệ An.

Mặt khác doanh nghiệp du lịch tại Nghệ An chủ yếu có quy mô nhỏ, Cơ sở lưu trú từ 3-5 sao và tương đương chiếm tỷ lệ nhỏ. Sản phẩm quà tặng du lịch còn nghèo nàn về chủng loại, mẫu mã, giá thành chưa hợp lý; còn ít sản phẩm quà tặng được thiết kế riêng, mang bản sắc của địa phương khiến du lịch Nghệ An chưa thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng.

Để đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: ngành du lịch Nghệ An tập trung phối hợp kêu gọi thu hút đầu tư các dự án về du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh trong công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp và du khách; ứng dụng du lịch thông minh trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến của Nghệ An. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương trọng điểm du lịch trong cả nước; tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nnước về du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn cho du khách.

Tác giả: Thùy Anh

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP