Y tá “đội lốt” bác sĩ
Sau loạt bài điều tra hàng loạt phòng khám có nhiều dấu hiệu sai phạm được Báo Gia đình Việt Nam phản ánh đã gây hiệu ứng tốt đối với dư luận. Mới đây, Báo Gia đình Việt Nam lại tiếp tục nhận được phản ánh về việc Phòng khám Đa Khoa Thái Dương (PKĐK) có địa chỉ tại số 99, đường Lê Lợi (TP. Vinh, Nghệ An) có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình khám, chữa bệnh.
Phòng khám Đa Khoa Thái Dương có địa chỉ tại số 99, đường Lê Lợi (TP. Vinh, Nghệ An) có nhiều dấu hiệu sai phạm và nhiều người phản ánh bị "vẽ bệnh, moi tiền" vô tội vạ. |
Để làm rõ phản ánh, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã vào cuộc để ghi nhận thực tế. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, phóng viên tìm đến trang web có địa chỉ dakhoathaiduong.vn. Qua hệ thống “chat”, sau khi trình bày vài triệu chứng như đi tiểu dắt, tiểu buốt, có ra mủ ở đầu dương vật mà do phóng viên tự nêu ra, ngay lập tức chúng tôi được bộ phận tư vấn viên, bác sĩ tư vấn “khả năng bị bệnh lậu”.
Quá trình “chát”, phóng viên được cấp một mã số khám bệnh qua tin nhắn để đăng ký lịch khám bệnh trước. Có được mã số khám bệnh, chúng tôi có mặt tại PKĐK Thái Dương để tiến hành khám bệnh như bao bệnh nhân khác để "vạch trần" những dấu hiệu sai phạm và chiêu trò "vẽ bệnh" nhằm mục đích giữ chân và “moi tiền” người bệnh tại PKĐK Thái Dương tồn tại lâu nay nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết.
Để kiểm chứng những thông tin phản ánh và có bằng chứng khách quan, trước khi vào thăm khám, phóng viên đã thủ sẵn một tuýp thuốc dạng mỡ dùng để nhỏ vào mắt có công dụng rửa bụi. Phóng viên dùng tuýp thuốc này bôi lên đầu dương vật để “thử tài” khám bệnh của các bác sĩ tại đây.
Có mặt tại PKĐK Thái Dương như đúng lịch đăng ký khám bệnh phòng khám này sắp xếp và thông báo cho phóng viên vào thời gian khoảng 11h30’ trưa ngày 29/5/2019. Khi có mặt, phóng viên được nhân viên tiếp đón tận tình và được yêu cầu lên tầng 2 của phòng khám này ngồi chờ khám bệnh. Nhân viên phòng khám bắt bệnh nhân ngồi đợi vì bác sĩ phòng khám đang đi ăn trưa.
Phóng viên "chát" với nhân viên PKĐK Thái Dương và được đặt lịch, yêu cầu thăm khám. |
Khoảng 15 phút ngồi đợi, phóng viên được một nhân viên phòng khám xưng là bác sĩ dẫn vào phòng riêng. Trên người nhân viên này không hề đeo biển tên, chức danh.
Trình bày vài triệu chứng những biểu hiện của bệnh lậu mà phóng viên đọc được trên mạng với người trực tiếp khám bệnh cho phóng viên, chị này yêu cầu bệnh nhân kiểm tra dương vật và tiến hành lấy mẫu “tinh dịch”.
Qúa trình khám và tư vấn cho phóng viên, nhân viên này liên tục nói dương vật phóng viên có mùi hôi rất khó chịu. Dù chưa có kết quả xét nghiệm, nhưng căn cứ vào những gì nhân viên này nhìn thấy, chị này khẳng định “bệnh này mà không chữa sớm, để một thời gian nữa nó chuyển sang mạn tính thì điều trị không khỏi và để lại hậu quả lâu dài, có thể vô sinh”.
Sau khi lấy xong “dịch đồ” là mỡ nhỏ mắt do phóng viên bôi ở đầu dương vật, phóng viên được yêu cầu xuống tầng 1 để đóng tiền và đến phòng lấy máu xét nghiệm. Đồng thời làm các thủ thuật điện tim, siêu âm ổ bụng. Chi phí cho khám và xét nghiệm ở đây được PKĐK Thái Dương thu với mức 800.000 đồng/lần.
Sau khi làm xong các thủ tục thăm khám, lấy máu, lấy nước tiểu để xét nghiệm, phóng viên được nhân viên PKĐK Thái Dương dẫn vào phòng nội soi ổ bụng. Tại đây phóng viên tiếp tục được một nhân viên y tá dùng máy móc soi ổ bụng. Nhân viên nữ này còn rất trẻ, không đeo biển tên, biển hiệu chức danh.
Phóng viên ngồi đợi khoảng 20 phút sau gọi vào để bắt đầu nghe kết quả xét nghiệm và cách “phán bệnh, vẽ bệnh” cho bệnh nhân mặc dù phóng viên là người hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh.
“Ép” phóng viên phải có bệnh lậu
Cầm một số kết quả xét nghiệm của phóng viên trên tay, nhân viên phòng khám này khẳng định: Tinh hoàn chưa bị viêm. Tuyến niệu đạo, tiền liệt có nhiều tạp khuẩn và bạch cầu, có các vi khuẩn lậu.
“Kết quả ra rồi em nhé, của em bị lậu 100 %. Cái này phải chữa đi thôi, nếu không sẽ gây nên tình trạng vô sinh ở nam. Dịch mủ nằm trong tuyến tiền liệt tuyến, bị vôi hóa một chút. Giờ phải để cho bác sĩ rửa và cho truyền thuốc”, nữ nhân viên PKĐK Thái Dương khẳng định với phóng viên.
Nhân viên này không đeo biển tên đã khám và "phán bệnh" lậu cho phóng viên (Ảnh cắt từ video). |
Hỏi về thời gian điều trị bệnh lậu đến lúc khỏi bệnh, nữ nhân viên khám, “vẽ bênh” cho phóng viên cho biết: Đối với loại bệnh này không có thuốc để uống.
Hỏi về cách thức và sử dụng thuốc để điều trị đối với bệnh lậu này, nữ nhân viên của phòng khám này cho biết: Thời gian truyền thuốc sục rửa lần đầu mất khoảng 15 phút. Điều trị trong thời gian khoảng 1 tuần. Tiền thuốc trong một lần truyền hết 5,8 triệu đồng. Những lần tiếp theo điều trị hết khoảng vài trăm nghìn. Phóng viên hỏi cụ thể “vài trăm nghìn” chính xác là bao nhiêu tiền nhưng vị nhân viên này không nói rõ, không giải thích thêm.
Phóng viên lấy lý do để tìm cách “chạy trốn” sự đeo bám của nhân viên phòng khám nhưng nhân viên này “lôi kéo” phóng viên "buộc" phải truyền thuốc ngay, thời gian chỉ mất khoảng 15 phút.
Rời khỏi phòng khám, phóng viên cầm được tất cả các loại giấy tờ, hồ sơ khám bệnh tại PKĐK Thái Dương để làm căn cứ. Một điều lạ là trên các tờ giấy, phiếu xét nghiệm có đóng dấu, ký tên là bác sĩ Phạm Thị Phương Oanh đã được “đúc sẵn” bằng con dấu giống nhau như đúc.
Nhân viên nữ siêu âm ổ bụng cho phóng viên nhưng trong tờ giấy kết quả xét nghiệm Thạc sĩ, bác sĩ Phan Anh Tuấn. Ảnh cắt từ clip. |
Trong tờ kết quả siêu âm ổ bụng có đóng dấu nhưng không có chữ ký là: Thạc sĩ, bác sĩ Phan Anh Tuấn. Điều này hoàn toàn trái ngước với những ghi nhận, tiếp xúc của phóng viên tại phòng siêu âm là một nữ nhân viên trẻ tuổi không đeo biển tên, biển hiểu. Trong quá trình khám bệnh tại PKĐK Thái Dương, phóng viên không hề được tiếp xúc với vị bác sĩ nam nào, không được tiếp xúc với bác sĩ có tên Oanh.
Căn cứ vào những bằng chứng phóng viên thu thập được cho thấy PKĐK Thái Dương có thể khẳng định rằng tại phòng khám này đang tồn tại những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong việc khám và chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.
Liên quan đến những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng tại PKĐK Thái Dương, chiều ngày 29/5/2019, phóng viên đã đến Sở Y tế tỉnh Nghệ An để liên hệ đặt lịch làm việc. Tại Sở Y tế tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã cung cấp toàn bộ các vi deo, hình ảnh, sổ khám bệnh của phóng viên ghi nhận được cho ông Nguyễn Tùng Lâm – Chánh Văn phòng Sở Y tế Nghệ An.
“Cảm ơn phản ánh của quý báo, chúng tôi tiếp nhận ý kiến, tài liệu phóng viên cung cấp và sẽ báo cáo với lãnh đạo sở để kiểm tra vấn đề Báo Gia đình Việt Nam phản ánh” – ông Lâm nói.
Đề nghị Sở Y tế tỉnh Nghệ An vào cuộc kiểm tra và xử lý những dấu hiệu sai phạm được phản ánh tồn tại ở PKĐK Thái Dương!
Trước đó, cũng bằng những lần nhập vai làm bệnh nhân tại một số PKĐK có yếu tố người Trung Quốc đứng sau đầu tư hiện đang đóng trên địa bàn TP. Hà Nội. Sau khi phản ánh đến Sở Y tế Hà Nội, đơn vị này đã ngay lập tức thu hồi giấy phép hoạt động của hàng loạt phòng khám liên quan đến nhiều sai phạm. Một bác sĩ đang công tác một bệnh viện trên địa bàn TP. Vinh đã từng làm việc tại các phòng khám có ông chủ là người Trung Quốc đứng sau chia sẻ: Các thủ đoạn của PKĐK có bác sĩ Trung Quốc, ông chủ Trung Quốc hầu như tất cả đều có chung những "chiêu trò" sau: Bước 1: Bệnh nhân vào phòng khám ngay lập tức được lễ tân tận tình, chu đáo đón tiếp và hướng dẫn là phải đi làm xét nghiệm, siêu âm chỉ hết khoảng vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, họ phải đóng số tiền lên đến cả triệu đồng sau đó. Bước 2: Y tá "đội lốt" bác sĩ khám trực tiếp cho bệnh nhân. Nếu là bệnh nhân nữ thì nói mắc bệnh khí hư, viêm loét cổ tử cung. Nếu là bệnh nhân nam thì nói dài bao quy đầu, viêm đường tiểu, bị lậu… để khiến bệnh nhân lo sợ và đồng ý làm thủ thuật. Thậm chí họ ngang nhiên “dọa” bệnh nghiêm trọng để gây nên nỗi sợ hãi cho bệnh nhân và thu tiền, mặc cả giá tiền ngay trên bàn mổ. Bước 3: Nếu bị vi phạm nghiêm trọng (làm chết người, sai quy định…) bị truy tố thì các ông chủ Trung Quốc sẽ cao chạy xa bay. Mặc nhiên, tội vạ đâu do người Việt mình gánh chịu. |
Tác giả: Nhóm PVĐT
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam