Tướng Hóa ủy quyền cho trùm cờ bạc lập, ký tài liệu
CQĐT xác định giữa năm 2011, Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong phục vụ các hoạt động nghiệp vụ.
Sau khi chỉ đạo cấp dưới soạn thảo tờ trình số 1186, tháng 9/2011 ông Hóa duyệt trình ông Vĩnh ký xin ý kiến và được Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ có bút phê “Đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ”.
Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương (SN 1975, trú phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) gặp ông Hóa để thành lập công ty bình phong cho C50. Sau khi gặp thống nhất với ông Hóa, ngày 30/9/2011, Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và làm chủ tịch HĐTV.
Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. |
Ngày 10/10/2011, ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương. Trong đó, có nội dung “Báo cáo C50 về các hoạt động kinh doanh và tài chính của CNC theo định kỳ; Phân phối lợi nhuận doanh thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động theo tỷ lệ: CNC được 80%, C50 được 20%.
Sau đó, ông Hóa ký hợp đồng ủy quyền cho Dương là người đại diện theo ủy quyền, thay C50 liên hệ với CNC và cá nhân, tổ chức liên quan để đại diện phần góp 20% vốn điều lệ; Ủy quyền cho Dương được lập và ký tên các giấy tờ, tài liệu… đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của C50. Ngoài ra, Dương không được sử dụng, chuyển nhượng, hưởng thụ phần vốn đại diện hay bất cứ lợi ích nào từ nguồn vốn góp trên. Nhưng C50 không có góp vốn, không cử cán bộ tham gia.
Phớt lờ cho "trùm" đường dây đánh bạc qua mạng
Ngày 7/8/2012, ông Hóa ký gửi công văn số 1090/C50-P1 tới Cục Chính trị hậu vần về đề xuất cho phép C50 sử dụng tầng 4 trưở số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) và công ty CNC được sử dụng phần diện tích còn lại. Được sự đồng ý của ông Vĩnh, Cục Chính trị hậu cần và CNC đã ký hợp đồng khai thác dịch vụ số 1510 ngày 1/10/2012 đến hết tháng 3/2017 và đã trả cho Tổng cục Cảnh sát 1,81 tỷ đồng.
Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương. |
Ngày 27/11/2013, Dương báo cáo sơ kết 2 năm hoạt động gửi ông Hóa theo thỏa thuận. Trong đó, có nội dung CNC xây dựng thành công cổng mô hình cung cấp dịch vụ GTGT trên Internet gồm game online, cổng thanh toán trực tuyến. Dương đề xuất C50 hỗ trợ trong việc đưa các game bất hợp pháp sử dụng cổng Sspay của CNC là cổng thanh toán duy nhất… hỗ trợ CNC trong việc quản lý đơn vị nghiệp vụ này, nhằm kiểm soát và định hướng hoạt động đúng đắn.
Ông Hóa có bút phê cấp dưới nghiên cứu, đề xuất. Đơn vị trực thuộc C50 nghiên cứu nhận thấy đều xuất của CNC là vi phạm pháp luật nên báo cáo lại ông Hóa. Ông Nguyễn Thanh Hóa sau đó chỉ đạo “Thế thì thôi không trả lời nữa, lưu hồ sơ thôi”. Từ đó, công ty CNC của Nguyễn Văn Dương dần dần trở thành một trong hai công ty thiết lập nên hệ thống cổng game bài đánh bạc trực tuyến khủng nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, đầu năm 2015, biết CNC là công ty bình phong của C50-Bộ Công an, Phan Sào Nam - Chủ tịch HĐQT VTC online hẹn gặp, đề nghị hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip và được Dương đồng ý.
Sau khi thỏa thuận điều khoản hợp tác, Phan Sào Nam bắt tay vào tuyển lập trình giỏi thiết kế phần mềm game bài RikVip, đầu tư cơ sở vật chất, sản xuất, vận hành hệ thống kỹ thuật cho game đánh bạc.
Còn Nguyễn Văn Dương trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thuê tên miền RikVip.vn với Công ty GM System và thuê dịch vụ nhắn tin quảng bá thương hiệu với Công ty CP truyền thông VMG.
Dương chỉ đạo cấp dưới xây dựng cổng thanh toán cho game bài và theo dõi, đối soát sản lượng doanh thu tổ chức đánh bạc.
Giao diện game bài RikVip. |
Theo cơ quan điều tra, 2 giai đoạn RikVip và Tip.Club có tổng số gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc với tổng doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được là hơn 9.853 tỷ đồng.
Theo đó, hai ông trùm thỏa thuận phân chia số tiền khổng lồ này rất chi tiết. Cụ thể các công ty, cá nhân vận hành game được chia hơn 8.404 tỷ đồng. Trong đó, trừ chi phí quản lý, vận hành và trả thưởng cho đối tưởng đánh bạc, VTC online hưởng hơn 1.503 tỷ đồng; Các công ty CNC, Giải pháp Việt, Hải Khánh, Long Hải được chia hơn 171 tỷ đồng. Cá nhân Nguyễn Văn Dương hưởng hơn 1.655 tỷ đồng, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.475 tỷ đồng. Nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đã bỏ trốn) hưởng hơn 1.574 tỷ đồng...
Tác giả: NGUYỄN HOÀN
Nguồn tin: Báo Tiền Phong