Kinh tế

Tự tạo cơ hội: Nuôi ếch lồng

Sau khi nhận tấm bằng cử nhân luật, anh Nguyễn Văn Linh lại quyết định khăn gói về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi ếch.

Anh Linh bên mô hình nuôi ếch mùng. Ảnh: Trần Thanh Phong
Anh Linh (27 tuổi, ngụ ấp Long Hải, TT.Phước Long, H.Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho biết vào năm 2012, sau khi cầm tấm bằng cử nhân trên tay, anh không xin việc ở đô thị mà quyết định về quê lo cho cha mẹ, vì anh là con trai duy nhất trong gia đình.

Mặc dù gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập chính chủ yếu nhờ vào trồng lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng cha mẹ đã không ngại gian khó, bám trụ đồng ruộng để kiếm tiền lo cho anh ăn học nên người. “Trong 4 năm tôi theo học tại Trường ĐH Cần Thơ, cha mẹ đã bán hàng trăm giạ lúa, cùng biết bao heo, gà... để đóng tiền trường, tiền thuê trọ, tiền cơm áo cho tôi”, anh Linh chia sẻ.

Với quyết tâm làm giàu từ nghề nông, anh Linh bỏ thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi ở địa phương. Qua tìm hiểu thấy mô hình nuôi ếch đồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi có thể tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên, lại ít tốn công chăm sóc, anh quyết định khởi nghiệp bắt đầu từ mô hình nuôi ếch trong lồng lưới hay còn gọi là nuôi “ếch mùng”.

Đầu tiên, anh sửa sang ao nuôi cá đồng sẵn có của gia đình, mua lưới về kết lại giống y như cái mùng lớn rồi đốn cây giăng xuống ao. Tiếp đến, anh tới TP.Bạc Liêu tìm mua 250 con ếch giống với giá 1.000 đồng/con về thả. Sau 3 tháng thả nuôi, đàn ếch phát triển tốt, lớn nhanh, không hao hụt, không bị dịch bệnh. Ngoài ra, nhờ khai thác nguồn cá rô phi trong thiên nhiên để cho ếch ăn nên anh không phải tốn tiền mua thức ăn.

Thấy mô hình nuôi ếch mùng đầy triển vọng, ếch thương phẩm trên thị trường có giá tương đối cao nên anh quyết định không bán mà tiếp tục nuôi dưỡng để làm giống, cho sinh sản. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật qua sách báo, qua các mô hình thực tiễn ở địa phương nên đầu năm 2013, anh Linh cho ếch sinh sản thành công, tỷ lệ đạt tương đối cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu thả nuôi mà anh còn thừa nguồn ếch giống bán cho nhiều hộ dân gây nuôi ở địa phương.

Theo anh Linh, thông thường nuôi ếch thương phẩm từ 2,5 - 3 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 4 - 8 con/kg, có thể xuất bán ra thị trường. Do suốt quá trình nuôi chỉ cho ăn bằng các loại cá tạp, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, nên thịt ếch dai, ngon giống như ếch đồng, được thị trường ưa chuộng.

Hiện thương lái đến nhà thu mua với giá trung bình 40.000 - 50.000 đồng/kg, rồi đem bán ra các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Còn ếch nuôi để gây giống, thời gian nuôi từ 8 - 12 tháng, trọng lượng mỗi con ếch giống nặng từ 500 - 700 gr. Một con ếch có thể đẻ hàng ngàn trứng và nở từ 2.000 - 3.000 con. Hiện anh Linh có khoảng 100 con ếch giống, mỗi đợt gây giống anh xuất bán cho các hộ nuôi trên 50.000 con, giá bán 1.000 - 1.500 đồng/con. Chỉ riêng tiền bán ếch giống, anh thu lãi hơn 20 triệu đồng/tháng.

Ngoài thành công từ mô hình nuôi ếch thương phẩm, ếch giống, hiện anh Linh còn áp dụng mô hình nuôi rắn hổ hèo, rắn ri tượng, trồng rau màu, cây ăn trái, trồng lúa... bình quân mỗi năm thu lời trên 300 triệu đồng. Theo dự tính, trong năm nay anh sẽ đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích nuôi ếch thương phẩm và ếch giống; đồng thời kết hợp với anh em trong xóm mở cơ sở thu mua ếch thịt bán trực tiếp cho các nhà hàng, quán ăn để tăng thêm lợi nhuận cho người nuôi. Bạn đọc quan tâm đến nghề nuôi ếch có thể liên hệ đến anh Linh qua số điện thoại: 0912497588.

Tác giả bài viết: Trần Thanh Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP