Nhìn bạn bè, đồng nghiệp hào hứng đi dạy học trở lại, chị Nguyễn Ngọc Phương Ly (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thoáng chút buồn vì không còn theo nghề giáo viên mầm non mà rẽ hướng sang kinh doanh online.
Chị Ly xin làm giáo viên tại trường mầm non Hoạ Mi vào năm 2017, sau khi tốt nghiệp. Hơn 6 năm gắn bó với nghề, chị tích luỹ cho bản thân nhiều kinh nghiệm và luôn được phụ huynh quý trọng. Tuy nhiên, cuối 2021, dịch COVID-19 căng thẳng, chủ trường mầm non Hoạ Mi tuyên bố giải thể vì đóng cửa liên tục nhiều tháng, không có kinh phí duy trì hoạt động.
Chị và 24 cô giáo khác ngậm ngùi bỏ nghề để chuyển sang hướng khác.
"Đó là thời điểm khó khăn nhất của tôi. Dịch bệnh khiến mọi thứ đóng băng, hai vợ chồng đều thất nghiệp, con gái nhỏ mới 2 tuổi. Tiền thuê nhà, tiền bỉm sữa, tiền sinh hoạt dần cạn kiệt. Hai vợ chồng bắt đầu học kinh doanh buôn bán online để kiếm thêm thu nhập", chị Ly nói.
Trẻ mầm non ở Hà Nội đi học trở lại. (Ảnh minh hoạ: Tiền Phong) |
Chị Ly khởi nghiệp kinh doanh quần áo và đồ dùng trẻ em. Thời gian đầu hai vợ chồng cùng nhau đi khắp các kho ở Hà Nội tìm nguồn hàng rồi chụp ảnh đăng bán trên mạng xã hội. Dần dần khi nguồn hàng và nguồn khách dần ổn định, chị bắt đầu thuê thêm người cùng phụ giúp đóng gói sản phẩm và trông con. Đến nay, doanh thu khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng, cuộc sống đỡ vất vả hơn so với lúc làm giáo viên lương 5 triệu đồng/tháng và điều kiện lo cho con, gia đình cũng tốt hơn.
"Biết tin Hà Nội cho mầm non đi học trở lại, chồng và một số đồng nghiệp trường cũ hỏi tôi muốn đi dạy học lại không. Dù chút tiếc nuối nhưng tôi quyết định tiếp tục với việc kinh doanh hiện nay. Vài năm nữa cuộc sống ổn định hơn, kinh tế vững, tôi sẽ tính đến việc quay lại làm giáo viên mầm non như ước mơ của mình", chị nói.
Những ngày qua, nhiều trường mầm non tư thục đồng loạt đăng tin tìm người, không đủ giáo viên họ không thể mở cửa. Nhiều giáo viên sau thời gian dài nghỉ dịch đã tìm công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Chị Phan Thị Ánh Dương (32 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) nghỉ việc từ tháng 6/2021 do trường giải thể. Chị xin đi làm công nhân xưởng đóng gói sản phẩm bao bì dưới huyện Thường Tín với mức lương 8 - 10 triệu đồng/tháng, ngày làm 7 tiếng, tăng ca không quá 8 tiếng/tuần.
Không riêng chị Ánh Dương, mà phần lớn các cô giáo dạy cùng trường mầm non Hoa Hồng trước đây hiện giờ đều rẽ trái sang bán hàng, làm thu ngân, công nhân hoặc về quê lấy chồng.
"Giáo viên mầm non lương thấp, chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, làm luôn tay luôn chân từ 7h30 sáng đến 5h chiều. Nhiều khi đi làm về mệt không có thời gian chăm sóc chồng con. So với công việc hiện tại, tuy chút vất vả nhưng mức lương của tôi cao hơn và thời gian cho gia đình cũng nhiều hơn", chị Dương nói. Đây cũng là lý do chị quyết định không trở lại làm giáo viên dù nhận được rất nhiều lời mời.
Ngoài vấn đề về thu nhập, chị Trần Bích Thanh (39 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chưa sẵn sàng đi làm trở lại do tâm lý. Trường học cũ chị từng gắn bó hơn 15 năm giải thể hồi tháng 10 năm ngoái. Toàn bộ cơ sở vật chất, hồ sơ học sinh được chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới. Chủ đầu tư mới tạo điều kiện cho giáo viên cũ có thể tiếp tục giảng dạy với mức lương tương đương trước đây 6,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, môi trường mới, đồng nghiệp mới, học sinh mới khiến chị chưa thấy sẵn sàng để đi làm. Khác với các cô giáo trẻ mới ra trường tràn đầy nhiệt huyết, không ngại thử thách môi trường mới, chị Thanh mong muốn môi trường dạy học ổn định, hết lòng chăm sóc trẻ từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Mặt khác chị cũng lo lắng: "Nhỡ đâu hoạt động được vài tháng, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, trường học lại phải đóng cửa. Khi ấy tôi một lần nữa rơi vài cảm xúc trầm uất vì mất việc. Tôi rất sợ khi phải bắt đầu lại từ đầu".
Nhiều trường mầm non đăng thông báo tuyển giáo viên. (Ảnh minh hoạ: A.D) |
Trường 'khát' giáo viên
Những ngày này chị Nguyễn Thị Thanh Ngọc, chủ cơ sở mầm non Hoa Sen (Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục đăng tin tuyển giáo viên trong các hội nhóm trên Facebook với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Dù vậy, chị vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi hay liên hệ nào. Chị nhờ cả người thân cùng tìm kiếm, thậm chí tăng lương lên 10 triệu đồng/tháng, chấp nhận lãi ít hoặc hoà vốn để tuyển giáo viên. Đến nay chị chưa tìm được ai.
Trước đây, trường tổng cộng 12 lớp từ 3 đến 5 tuổi, gần 300 trẻ với 22 giáo viên, trung bình một lớp 2 giáo viên phụ trách. Đợt dịch đầu tiên năm 2020, trường cố gắng hỗ trợ giáo viên mỗi tháng 1 triệu đồng nhưng 4 người xin nghỉ, chuyển hướng sang công việc khác.
Liên tiếp các đợt dịch 2, 3 và 4, trường không đủ kinh phí để hỗ trợ lương như đợt đầu, các cô lần lượt xin nghỉ, người buôn bán online, người về quê xin việc, người lại đi làm công nhân xí nghiệp. Đến nay trường còn 8 giáo viên, gồm cả chị.
Khi tất cả các trường mầm non công lập mở cửa đón học sinh thì trường Mầm non Hoa Sen vẫn chưa thể hoạt động hết 100% công suất. Tạm thời chị Ngọc thông báo một số lớp mầm non 5 tuổi đi học trước, còn lớp 2 đến 4 tuổi tạm nghỉ. Để đảm bảo đủ số người đứng lớp, chị Ngọc xác định phải "xắn tay áo" hỗ trợ giáo viên, chờ đến khi tìm kiếm đủ người dạy.
Nhiều chủ trường chia sẻ, họ sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự. Chị Trần Bảo Linh (Hà Đông, Hà Nội), chủ trường mầm non song ngữ Birght Star không thể tìm đủ giáo viên đứng lớp. Giáo viên không mặn mà với nghề như trước đây. Dù đăng tin tuyển dụng lên khắp các hội nhóm với mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn nhiều lần so với trước nhưng 1 tuần nay, chị Linh vẫn chưa tìm được ai phù hợp.
Nghỉ dịch quá lâu các cô chuyển sang bán hàng online, nhân viên kế toán, thu ngân với thu nhập trung bình từ 8 đến 10 triệu/tháng. Trong khi mức lương giáo viên chỉ từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, thời gian làm lại rất vất vả, từ 7h đến 17h30 và nghề nên các cô đa số không muốn quay lại với nghề, chị Linh nói.
Một khảo sát của Bộ GD&ĐT nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Tại phiên giải trình với quốc hội về tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19 vào cuối tháng 2/2022, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của đại dịch. Nếu tính cả các nhóm lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ, con số có thể lên tới hàng nghìn. |
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: vtc.vn