Trong nước

Trước hết phải chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng

Để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, trước mắt phải chống tham nhũng quyết liệt trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật.

Trong nhiều năm qua, tình trạng tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng râm ran ở mọi lúc mọi nơi. Lâu dần thành quen, người ta quan niệm đó là chuyện bình thường, đến mức không ít người cho rằng, ai đó công tác trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật mà không “ăn” là loại người hâm hấp, dở hơi.

Dưới đây xin dẫn chứng một số ví dụ về tình trạng nhận hội lộ của cán bộ, công chức trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ công lý đã được phanh phui.

Ngày 29/12/2015, Nguyễn Trường Duy cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, bị công an bắt tại sân bay khi y vừa từ nước ngoài về. Khám xét chỗ ở của Duy, lực lượng chức năng thu giữ 64 phong bì tổng cộng hơn 964 triệu đồng. Tháng 4/2018, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên bị cáo Nguyễn Trường Duy 12 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Tháng 12/2016, “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ đối với Trương Thị Hoa thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Ea Kar về hành vi nhận hối lộ 80 triệu đồng để thực hiện việc xét xử án treo cho bị cáo Nông Văn Thụt trong vụ án "Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ."

Ngày 1/10/2017, Hồ Minh Khiêm Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định, là Trưởng đoàn thanh tra thuế đối với Công ty Cổ phần Xây dựng An Nghĩa, bị Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang khi y nhận của chủ doanh nghiệp một túi đựng 110 triệu đồng và một túi đựng 20 triệu đồng. Theo cáo trạng túi 110 triệu đồng chủ doanh nghiệp hối lộ Khiêm, túi 20 triệu đồng chủ doanh nghiệp gửi qua Khiêm để hối lộ Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.

Ngày 01/12/2018, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt Hà Văn Hưng nguyên Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKSND huyện Ea Kar 7 tháng tù giam về tội nhận hối lộ.

Trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chính những người có trách nhiệm đảm bảo cho kỳ thi nghiêm minh, trung thực, khách quan lại là những người nằm trong đường dây sửa điểm cho thí sinh. Những người đó gồm cán bộ phòng khảo thí & kiểm định chất lượng giáo dục; giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục & đào tạo.

Gần đây nhất ngày 18/6/2019, liên quan đến vụ Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" tại Vĩnh Phúc, Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 trong 5 thành viên của Đoàn về tội nhận hối lộ.

Điều nguy hại hơn, không chỉ cấp thấp mà hàng loạt cán bộ cấp tướng ngành Công an cũng tiếp tay, dung túng cho các quan chức thoái hóa và các doanh nghiệp tham nhũng, vi phạm phạm pháp luật. Thậm chí trở thành nhũng kẻ chống lưng cho đường dây đánh bạc gần chục nghìn tỷ đồng như Phan Văn Vĩnh nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Nguyễn Thanh Hóa nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trước hết phải chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng

Trên đây chỉ là một số ví dụ mang tính đại diện về tình trạng tham nhũng trong các cơ phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật. Còn nếu tìm kiếm trên Google, thì số vụ đưa và nhận hối lộ của các quan chức, viên chức thuộc các ngành này được đăng tải dài đặc trên các báo chính thống.

Dù số vụ việc bị đưa lên mặt báo nhiều là vậy thì đó cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ của tảng băng chìm. Vì hầu hết các vụ đưa và nhận hối lộ luôn được sự đồng thuận giữa người đưa và kẻ nhận, hơn nữa thực hiện rất “chuyên nghiệp”, đôi bên đều vui vẻ thank you, nên các cơ quan điều tra có tài giỏi mấy cũng rất khó phát hiện.

Chẳng hạn trước khi Vinashin sụp đổ có tới 11 lần thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và không phát hiện được vấn để gì nghiêm trọng, nhưng rồi một đại án tầm kỷ lục thế giới về số tiền bị thiệt hại, với 86.000 tỉ đồng tiền thuế của dân bị nhấn chìm.

Hay như 12 dại dự án đắp chiếu, làm rúng động cả nước, mỗi đại án làm thất thoát của nhà nước hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Số lượng, tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các chủ thể của các đại án này cũng chẳng kém gì Vinashin và cũng chẳng phát hiện được vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng sau khi được thanh tra, kiểm tra thì tất cả các dự án đều “đắp chiếu”.

Chẳng lẽ trình độ chuyên môn của cán bộ thanh tra, kiểm tra và thậm chí của một số cơ quan chuyên trách kém đến mức như vậy sao?

Hay là các doanh nghiệp và các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán rất thuộc và rất biết cách vận dụng câu vè “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì khi có phong bì là cùng thank you”.

Trong lĩnh vực xây dựng cũng vậy, hàng năm Bộ Xây dựng có ngót hàng trăm đoàn về các tỉnh thành thanh tra các mặt công tác xây dựng, nhưng quy hoạch đô thị, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn bị băm nát. Các cuộc thanh tra đó có chỉ ra được sai phạm?

Phải chăng, giữa khách và chủ đều đồng thuận, có thông đồng nên cùng vui vẻ “thank you” và đây chính là nguyên nhân làm cho quy hoạch đô thị càng ngày càng bị phá nát nghiêm trọng?

Không những vậy, ngành thanh tra còn hành chính hóa hầu hết các vụ tham nhũng. Ông Lê Như Tiến Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, toàn ngành thanh tra chỉ chuyển điều tra chưa đến 1% còn lại xử lý hành chính. Trong khi đó, báo cáo thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng lên đến hàng nghìn hecta đất, hàng chục nghìn tỉ đồng”. Rồi ông Tiến đặt câu hỏi: “Vậy có hay không xu hướng hành chính hóa trong xử lý tham nhũng?"

Như vậy các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không chỉ che đậy cho các sai phạm của các chủ thể mà còn có hiện tượng hành chính hóa các vụ tham nhũng. Đây là những hành vi cố ý làm trái pháp luật rất bất thường.

Phải chăng các đoàn thanh tra, kiểm tra đã cố tình che đậy sai phạm của các chủ thể bị thanh tra, kiểm tra để cùng nhau trục lợi?

Một điều bất thường nữa là, khi các đại án tham nhũng của các doanh nghiệp bị phanh phui thì tất cả các thành viên của các đoàn thanh tra, kiểm tra đều vô can, thậm chí có người vẫn thăng quan tiến chức. Mặc dù trước đó họ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này không hề phát hiện ra tham nhũng và các sai phạm về quản lý kinh tế.

Hậu quả của tình trạng tham nhũng, dung túng cho tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vô cùng tai hại.

Thứ nhất: Trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật thế hệ sau sẽ noi theo thế hệ trước, cấp dưới noi theo cấp trên thực hiện các hành vi tham nhũng hoặc dung túng cho tham nhũng để trục lợi, làm cho các vấn nạn tham nhũng, cố tình vi phạm pháp luật càng ngày càng trầm trọng.

Thứ hai: Dẫn đến tình trạng nhờn luật, coi thường pháp luật. Những cán bộ thoái hóa biến chất sẽ tìm mọi cách tham nhũng, những kẻ có “tay trong” sẽ ngang nhiên vi phạm pháp luật vì họ yên tâm khi đã có người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật dung túng, bảo kê.

Thứ ba: Người dân mất niềm tin vào pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm cho họ bức xúc bất bình, hành động theo ý thích, không tuân thủ pháp luật, dẫn đến một xã hội vô pháp.

Khi cán bộ, viên chức của những cơ quan này có hành vi tham nhũng thì đương nhiên họ buộc phải bao che, dung dưỡng cho tham nhũng. Vì vậy để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, về lâu dài phải thực hiện nhiều giải pháp như cải cách thể chế, cải cách cơ chế quản trị quốc gia, nhưng trước mắt phải chống tham nhũng quyết liệt trong các cơ quan chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật.

Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại tỉnh Tuyên Quang

Tác giả: Nguyễn Huy Viện

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP