Thí sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: ITN |
Những thông tin này ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của thí sinh.
“Lột trần” nghề nghiệp
Trên một nhóm Facebook mang tên “Đại học đừng học đại” với hơn 2 triệu thành viên xuất hiện nhiều bài viết với chủ đề: Góc khuất ngành nghề, chẳng hạn: “góc khuất ngành kiến trúc”, “góc khuất ngành công nghệ thông tin”, “góc khuất các ngành bạn đã biết chưa?...”.
Ngay dưới các bài viết này là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt bình luận, đánh giá (review) về những ngành nghề đó. Có người khen, nhìn nhận tích cực, nhưng cũng có bình luận mang tính tiêu cực, thậm chí “lột trần” nhiều điều không mấy tốt đẹp về ngành nào đó khiến học sinh hoang mang với quyết định của mình.
Chẳng hạn, dưới chủ đề (topic) về “góc khuất ngành truyền thông, như báo chí, quan hệ công chúng” có hàng trăm bình luận như: “Dễ đi… tù tốp 2 sau kế toán”; “Cái gì cũng biết nhưng chả giỏi cái gì, phải biết viết content (nội dung - PV), quay, dựng, tốt nghiệp rồi nhưng vẫn hoang mang không biết nên làm cái nào cho tốt”;
“Ngành này lương thấp, phải đa nhiệm cùng tính đào thải cao”; “Ngành này không cần đi học đại học cũng có thể làm được, chỉ cần biết nhậu và có ngoại hình…”. Không ít học sinh lớp 12 đã xem các bình luận này như nguồn tham khảo trong việc đưa ra quyết định lựa chọn ngành học trong tương lai, trước ngày đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học diễn ra từ 18/7 đến 30/7.
Đam mê ngành tâm lý học, Dương Phước Lộc - học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM) từng có khoảng thời gian tìm hiểu để chuẩn bị đăng ký xét tuyển sớm thông qua các hội nhóm như luyện thi đại học, review chọn ngành, trường...
Bên cạnh thông tin về chương trình dạy, lợi thế nghề, ưu điểm học tập..., Lộc cũng bị thu hút bởi những bài viết về góc khuất ngành. Nam sinh cho hay, đa số các bình luận đọc được có xu hướng tiêu cực, nói về “mặt tối” nhiều hơn. Điều đó khiến Lộc cảm thấy lung lay quyết định. “Trước đó em hơi phân vân vì nhiều người nói học xong ngành này ra trường không có việc làm, học tâm lý phải có vấn đề về tâm lý mới học, nguy cơ phơi nhiễm với các rối loạn tâm lý tinh thần cao....”, Lộc chia sẻ.
Giống Phước Lộc, Lưu Yên San - học sinh một trường THPT tại Hà Nội cũng lưỡng lự về ngành mình đăng ký xét tuyển sau khi đọc các bài viết về tìm hiểu “góc khuất” ngành học. Yên San cho hay, nguồn thông tin em tìm kiếm được chỉ nằm ở mặt nổi tại các trang web tuyển sinh từ các trường, ít đơn vị nào nói ra nhược điểm hay hạn chế của ngành.
“Em và các bạn thường có xu hướng hỏi kinh nghiệm từ anh chị đi trước. Đặc biệt trong thời đại 4.0, em dễ dàng kết nối với những người đó trên các hội nhóm review trường đại học, luyện thi đại học 2024, kinh nghiệm làm nghề...”, San nói.
Thí sinh TPHCM dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Thái Khang |
Đánh giá đa chiều
Lý giải nguyên do các bài viết về mặt tối lại thu hút sự chú ý của học sinh nhiều hơn, ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia TPHCM) cho biết, bản chất vấn đề ở tâm lý tò mò, hiếu kỳ và thiếu thông tin trong xã hội về ngành học. Ở nguyên nhân thứ nhất, sự tò mò của các bạn gần như không biến mất mà trở nên rõ nét hơn khi môi trường xã hội thiếu thông tin.
“Ngoài ra, các trường đại học cần truyền thông chính xác, đúng mực, đừng tô hồng quá mức về ngành học, cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình đào tạo, tố chất, khó khăn sinh viên thường gặp phải khi học”, ThS Nam cho hay.
Ông Nam cũng chia sẻ thêm, khi gặp các bài viết với chủ đề không mấy tích cực, sự lung lay và mông lung việc chọn ngành, nghề của học sinh là có. Nhưng để chọn ngành phù hợp, đam mê để theo đuổi, thí sinh lưu ý cần tìm hiểu thông tin đa chiều như: Chương trình đào tạo, học phí, học bổng, hoạt động hỗ trợ người học, ký túc xá, cơ hội nghề nghiệp…
“Các em cần suy xét thấu đáo để nhận biết bản thân một cách đầy đủ, đúng nhất. Chỉ khi đó, bạn mới biết bạn là ai, cần gì, phù hợp với nghề, ngành, trường học nào. Cũng cần nhớ rằng ở xã hội hiện đại, để thành công trong sự nghiệp, chuyên môn vững chắc và thái độ chuẩn mực mới là yếu tố nền tảng”, ThS Nam khuyên thí sinh. Ông cũng nhấn mạnh quy trình chọn ngành cần theo lộ trình: Hiểu bản thân, chọn nghề yêu thích và phù hợp, chọn ngành, trường học.
Đồng quan điểm với ThS Trần Nam, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định cho rằng, thí sinh nên lựa chọn ngành nghề theo quy trình: Xác định rõ nghề mình muốn theo đuổi, lĩnh vực yêu thích. Sau đó, các em mới chọn ngành học, cuối cùng tới chọn trường.
“Review mặt trái ngành học là cần thiết, song những thông tin cần đến từ nguồn chính thống, các chuyên gia, thầy cô đang làm lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, lựa chọn đúng lĩnh vực mình yêu thích rất quan trọng. Điều này giúp các em theo đuổi hết mình ngành học, gắn bó với nó sau khi ra trường, tránh việc bỏ dở giữa chừng dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc và cho rằng đó là góc khuất”, TS Toàn nói.
Theo TS Toàn, ngành học nào cũng có hai mặt ưu và nhược điểm. Nhược điểm có thể là thử thách và khó khăn mà sinh viên phải đối mặt khi theo đuổi lĩnh vực đó. Tuy nhiên, nếu họ được đào tạo bài bản, đủ đam mê và yêu nghề sẽ vượt qua được thách thức.
Ngược lại, những cá nhân không tìm hiểu kỹ về ngành nghề, không chọn lựa đúng ngành học, thiếu đam mê có thể dễ dàng bỏ cuộc hoặc luôn nghĩ đến các nhược điểm trong ngành họ theo đuổi. Lâu dài, họ sẽ cảm thấy bất mãn và dần xem những khía cạnh này như “góc khuất” của ngành rồi chia sẻ với người khác để giải quyết cảm giác tiêu cực.
“Đừng chọn ngành học chỉ bằng cách nhìn vẻ bề ngoài, sự thành công của một ai đó hay ý kiến một người. Ngành học nếu đang đào tạo ắt hẳn còn nhu cầu trong xã hội nhưng để có công việc tốt, thu nhập ổn, khả năng thăng tiến và hạnh phúc với ngành, nghề thì những điều này còn bắt nguồn từ chính người học. Trường đại học là nơi cho ta hành trang, còn đi đến đâu trên hành trình dài thì bạn là người quyết định”, ThS Trần Nam cho biết. |
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn