Giáo dục

Trở lại nơi từng xảy ra vụ chìm đò làm 19 học sinh tử vong

Năm 2006, ở bến đò ngang Chôm Lôm, xã Lạng Khê (Con Cuông) xảy ra vụ chìm đò tang thương khiến 19 học sinh tử vong. 11 năm qua đi, nhịp sống thường nhật đã có nhiều đổi thay, nhưng dường như nỗi đau chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người ở lại.

Nhắc nhớ Ký ức

Anh Lộc Vĩnh Thêu (SN 1985) hiện đang là Bí thư Đoàn xã Lạng Khê. Về xã, hỏi thăm Thêu, hình như ai ai cũng biết. Sau vụ chìm đò ở Chôm Lôm, Lộc Vĩnh Thêu được nhiều người “đặt” cho danh xưng “anh hùng Chôm Lôm” vì hành động dũng cảm lao xuống sông cứu sống 5 học sinh chới với giữa dòng. Thế nhưng, Thêu bảo, đừng gọi như thế, nó gợi nhắc về ký ức quá đỗi buồn đau!

Vẫn còn phảng phất nét bàng hoàng trên gương mặt khi nhớ về buổi sáng định mệnh cách đây 11 năm, Lộc Vĩnh Thêu kể lại: “Lúc đó tôi đang là sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng, nghỉ 1 tuần về thăm gia đình. Khoảng hơn 6h sáng ngày 7/10/2006, tôi đang giúp hàng xóm sửa nhà thì nghe thấy tiếng la hét thất thanh ở bến đò Chôm Lôm.

Học sinh đi học qua cầu treo Chôm Lôm, xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: Cảnh Nam

Chạy ào ra bến thì thấy thuyền lật, hàng chục đứa trẻ hoảng sợ lặn ngụp, kêu cứu giữa dòng nước xiết. Không kịp nghĩ ngợi, tôi lao xuống, chỉ cứu được 5 em thì không còn đủ sức để bơi tiếp, cứu tiếp…”

11 năm nay, điều Lộc Vĩnh Thêu day dứt nhất là vào buổi sáng định mệnh ấy, anh đã không thể cứu được nhiều hơn, và hình ảnh 19 học sinh chìm dần, chìm dần xuống lòng sông ngay trước mắt mình khiến Thêu nhiều đêm mất ngủ.

Lộc Vĩnh Thêu cũng là người con của bản Chôm Lôm. Trong số 19 học sinh tử nạn năm ấy, có đến 6 em là con cháu trong họ Lộc - cũng là anh em con o, con chú của anh Thêu. Bến đò tang thương ấy chính là sân chơi quen thuộc mỗi sáng chiều suốt tuổi thơ ấu của Thêu và các em. Không ai tính đếm nổi đã bao lần bước chân lên chuyến đò ngang để đến trường học, đến chợ trung tâm xã, đến với nhịp sống sôi động mà chỉ cách một quãng sông dường như đã có nhiều khác biệt.

Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hoà là 3 bản bên sông của xã Lạng Khê, cách đây hơn chục năm, phương tiện duy nhất kết nối hàng nghìn dân bản với trung tâm xã là những chuyến đò ngang không áo phao, không phương tiện bảo hộ. Mỗi chuyến chờ đò sang sông phải mất hàng giờ đồng hồ, nếu đúng mùa lũ nước dâng, đò gác mũi không chạy thì dẫu có việc gấp đến mấy cũng phải ở nhà chờ đợi. Sự cách trở này là nguyên nhân chính dẫn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân 3 bản gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tỷ lệ học sinh bỏ học cũng khá cao so với nhiều địa bàn khác trong huyện.

Đổi thay và mong ước

1 năm sau thảm hoạ chìm đò Chôm Lôm, bến đò ngang tại đây bị xoá bỏ, một cây cầu mới đã được dựng lên nhờ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm. Nhịp cầu mới đã nối thành công ước mơ con chữ của hàng trăm học sinh đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai.

Thầy giáo Phạm Quốc Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Lạng Khê - ngôi trường của 19 học sinh tử nạn, chia sẻ, từ khi có cây cầu mới, ở Chôm Lôm đã không còn học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 khá cao, phụ huynh cũng quan tâm, phối hợp với nhà trường nhiều hơn để chăm lo việc học tập của con cháu.

11 năm kể từ sự kiện tang thương ấy, bản Chôm Lôm đã có 11 cử nhân đại học, trong đó có 2 em học đại học Y, 3 em đậu các trường khối Quân sự. Đây là niềm vui lớn lao của bản nghèo ven sông vốn không giàu truyền thống hiếu học và học giỏi.

Cũng từ sự kiện Chôm Lôm, chính quyền và người dân xã Lạng Khê nói riêng, huyện Con Cuông nói chung quan tâm nhiều hơn tới an toàn đường thuỷ. Bản Chôm Lôm đã có cầu, cũng đã có tuyến đường nối từ Đồng Tiến qua Chôm Lôm về Yên Hòa, phần nào giải toả nỗi thấp thỏm giao thông, giao thương, chấm dứt cảnh chia cắt, cô lập mỗi mùa lũ về.

Giờ học của học sinh Trường THCS Lạng Khê. Ảnh: Phước Anh

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã vẫn tồn tại bến đò Yên Hoà - bến đò ngang duy nhất còn lại của huyện Con Cuông. Từ bản Yên Hoà đến trung tâm xã chỉ khoảng 5km nhưng mỗi ngày, học sinh đi học, người lớn đi làm vẫn phải lụy đò. Đò giang cách trở khiến người dân Yên Hoà phải chịu nhiều thiệt thòi khi mua bán, trao đổi các loại hàng hóa. Các mặt hàng tiêu dùng khi được đưa về đến bản thì giá cả tăng lên đáng kể, trong khi đó các mặt hàng nông, lâm sản của bà con luôn bị ép giá.

Đáng ngại hơn cả là nguy cơ tai nạn đắm đò luôn rình rập. Khúc sông qua bản nằm ở thượng nguồn sông Cả, độ sâu có nơi đến 20m. Vào mùa lũ, nước xoáy hung bạo. Người dân bản địa cho biết, rất may là chưa có sự cố đáng tiếc nào ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng việc đò bị chết máy, trôi nghiêng giữa dòng thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

11 năm đã qua đi, nhưng với người dân Lạng Khê, mọi ký ức đã hằn sâu chẳng thể nào quên được. Thời điểm này, thầy và trò Trường THCS Lạng Khê đang tất bật chuẩn bị cho một lễ Trung thu đặc biệt. Trung thu sẽ được tổ chức trên chính bến đò định mệnh năm xưa, dành riêng để tưởng niệm 19 học sinh tử nạn khi bao ước mơ áo trắng chưa thành.

Những chiếc thuyền giấy sẽ được thả xuống dòng sông, như gửi gắm khát vọng chở che linh hồn những hoa niên đã nằm lại nơi đây. Hỏi về ước mong, thầy và trò Trường THCS Lạng Khê nói, mong nhất là có thêm được cây cầu để xoá bến đò Yên Hoà, mong nữa là Nhà nước cùng các nhà hảo tâm có nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp cầu Chôm Lôm, vì sau chục năm “gánh” lưu thông của hàng ngàn người dân, cầu đã xuống cấp trầm trọng. Mong mỏi ấy đang ngày càng cấp thiết khi mùa mưa bão đang đến rất gần.

Tác giả: Phước Anh - Cảnh Nam

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP