Cuộc sống

Bến đỗ bình yên trên chuyến xe cuộc đời

Về thôi anh! Về với ba, để ba không cần phải mong anh được bình yên nữa, vì lòng người mãi hướng theo anh chính là bến đỗ bình yên nhất anh có thể dừng lại trên những chuyến xe đời mình…

Sáng muộn, anh bệnh nhân làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, anh nhập viện vì đau bụng, đưa anh vào là một người đàn ông có khuôn mặt nhàu nhĩ, nhàu như bộ áo quần ông mặc, nhưng nom ông chẳng có vẻ gì để ý.

Tôi hỏi bệnh rồi khám cho anh, người đàn ông mỗi tay xách theo một túi đồ đứng ngóng, thi thoảng lại hỏi tôi:

- Cháu nó có sao không bác sĩ?

- Dạ chú cứ bình tĩnh, có sao thì mới phải vô viện nè, để con khám cho ra bệnh rồi cho thuốc.

Chú là ba của bệnh nhân, từ dưới Hậu Giang đi xe đò lên thăm con, đang chuẩn bị ra xe về thì hay tin con đổ bệnh, lại lóc cóc mang đồ chạy thẳng từ bến xe vào viện. Chờ ở ngoài nhấp nhổm, chốc chốc chú lại ngó vào hỏi tôi coi con chú sao rồi, thấy tôi niềm nở, chú cũng chạy hẳn vô gần trình bày bệnh tình của con, tôi có hỏi bệnh và khai thác hết rồi mà nghe trong giọng chú nghẹn ứ một niềm lo nên lặng yên nghe chú kể:

Mẹ anh mất sớm, có hai ba con lo cho nhau. (Ảnh minh họa).

- Nhà nghèo lắm chẳng có tiền đâu, mẹ hắn mất sớm, có hai ba con lo cho nhau, tui dưới ấy có việc gì cũng làm, chỉ mong đủ nuôi cho hắn được ngày ba bữa no, thế mà cũng có lúc đói ròng, nó ốm nha ốm nhách. May mà hắn cũng siêng học, siêng làm, lại thương ba nên tự lo tự lập từ nhỏ, tui không phải nhắc nhở gì. Ngày hắn nhận tin có việc trên thành phố là biết thân mình lại gánh thêm một mối lo, nhưng mà mừng ghê lắm, thấy con được lên Sài Gòn có ai không mừng? Lo thế, mừng thế nhưng cũng buồn. Nó xa quê từ đấy, nhà đã thưa người lại còn thưa hơn. Thi thoảng đêm ngồi uống rượu một mình, nhìn qua bờ rào thấy tụi trẻ chơi trăng, có đứa nào nom giống con mình mà nhớ lắm. Nhớ rồi để vậy thôi, để cho nó đi, mình còn hàng xóm, còn quê hương không đi nổi, lòng mình theo nó là đủ rồi.

Đang nghe chú tâm sự thì có bệnh nhân mới vào nên tôi cáo lui. Lúc sau vãn bệnh, qua chỗ chú thì chú đang chạy ra ngoài, hỏi con trai chú tình hình sức khỏe thế nào rồi, anh bảo đã bớt đau. Nom anh chắc giống mẹ nhiều hơn, chỉ có đôi mắt giống ba là chẳng giấu đi đâu được. Kết quả khám cho thấy anh chỉ bị viêm ruột thừa nên chỉ cần kê toa thuốc rồi về nhà điều trị. Anh nhìn tôi rồi trải lòng:

-Tui giấu ba đó chứ, tưởng ba đã đang trên xe về nhà rồi mà chẳng hiểu sao ổng biết được lại quay lên. Ổng thương tui ghê lắm, từ hồi tui sắm cho cái điện thoại là tối nào cũng gọi điện hỏi xem tình hình con thế nào, có tối say rượu gọi chẳng nói gì, để tui hỏi hoài một lúc lâu mới lè nhè: "Mày cứ nói tiếp đi! Ba chỉ cần mỗi ngày nghe thấy giọng mày là ba vui", thế là mình gác máy ngay, không muốn để ba nạt cho đàn ông con trai gì mà mau nước mắt. Năm nay cố ở lại làm kiếm thêm nên định Tết không về. Nhớ mỗi lần về đến điểm xe dừng là y như rằng có dáng ông cụ gầy tong đứng đó hút thuốc chờ, chưa một lần nào ba đón trễ dù ngày nắng hay mưa.

Tôi nghĩ bụng, hai ba con nhà này sao mà được lòng dạ giống nhau đến thế!

Trước khi anh về định nói thêm một lời với anh mà đã thấy anh nói hộ giúp rồi.

- Giờ con đưa ba ra bến xe.

- Không! Để ba ở lại chăm. Mậy bệnh vầy sao ba về?

- Con đưa ba ra bến rồi mua vé hai ba con cùng về. Con xin nghỉ làm Tết rồi.

- Công việc thì tính sao? Sao bảo nghỉ vậy thì mất việc cơ mà?

- Không lo! Mất việc thì về ba chăm.

- Cha chả! Tổ cha cái thằng chết bầm! Cà nhỗng nó vừa vừa thôi!

Rồi anh một tay xách đồ, một tay khoác vai ba, tiếng cười tiếng nói đến khuất hình rồi mà còn chưa dứt. Về thôi anh! Về với ba, để ba không cần phải mong anh được bình yên nữa, vì lòng người mãi hướng theo anh chính là bến đỗ bình yên nhất anh có thể dừng lại trên những chuyến xe đời mình…

Tác giả bài viết: BS Dương Minh Tuấn

Nguồn tin:

  Từ khóa: bình yên ,có thể

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP