Thể thao

Trò cưng thầy Park "thất nghiệp" và nghịch lý có thể khiến bóng đá Việt Nam thiệt hại nặng

Theo báo cáo chuyển nhượng thập kỷ 2011-2020 từ FIFA, các đội bóng Thái Lan thu về tới 14 triệu USD tiền bán cầu thủ, vượt xa con số 1,5 triệu của V.League.

Trước thềm mùa giải 2022, Quế Ngọc Hải - đội trưởng đội tuyển Việt Nam - bỗng rơi vào cảnh "thất nghiệp". Cụ thể, trung vệ xứ Nghệ kết thúc hợp đồng kéo dài 3 năm với Viettel và tạm thời ở trong tình trạng không có CLB.

Trở về từ AFF Cup 2020, Quế Ngọc Hải hiện là cầu thủ tự do

3 năm trước, Quế Ngọc Hải là một trong những hợp đồng bom tấn mà Viettel đưa về trong kế hoạch "hóa rồng". Đội chủ sân Hàng Đẫy đã chi ra số tiền lên tới 9 tỷ đồng cho nhà vô địch AFF Cup 2018.

Khoản đầu tư này đem tới hiệu quả tức thì. Viettel giành chức vô địch V.League 2020, góp mặt tại AFC Champions League và tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng ở V.League 2021 tính đến thời điểm giải đấu bị hủy bỏ.

Do không thống nhất được thỏa thuận gia hạn, Quế Ngọc Hải chia tay Viettel, đây là chuyện bình thường trong bóng đá. Nhưng điều đáng nói là đội bóng thủ đô để trụ cột hàng thủ sở hữu phong độ ổn định, đang ở độ tuổi "chín" nhất và đồng thời là đội trưởng đội tuyển Việt Nam ra đi mà không thu được đồng phí chuyển nhượng nào.

Trên thế giới, nếu một cầu thủ như mang những vai trò tương tự Quế Ngọc Hải chuyển CLB, đội bóng mới gần như chắc chắn sẽ phải trả một khoản tiền chuyển nhượng khổng lồ. Rất hiếm khi các CLB chịu để ngôi sao của mình rời đi dưới dạng tự do.

Theo báo cáo chuyển nhượng thập kỷ 2011-2020 từ FIFA, V.League nhận được tổng cộng 1,5 triệu USD từ 242 thương vụ bán cầu thủ. Con số này của Thái Lan là 14 triệu USD.

Tại V.League, tiền lót tay vẫn là khoản được nhắc đến nhiều hơn hẳn so với phí chuyển nhượng. Tờ The Star của Malaysia từng than phiền rằng đáp ứng mức lương cho một cầu thủ ngôi sao từ Việt Nam không thành vấn đề nhưng mức phí lót tay lên tới 12 tháng lương là có phần vô lý.

Việc quen với chuyện lót tay khiến nhiều CLB V.League phần nào đó kém coi trọng phí chuyển nhượng hơn. Nó cũng làm các đội bóng chủ quan về hợp đồng và dễ rơi vào hoàn cảnh mất cầu thủ theo dạng tự do.

Thử nhìn vào một trường hợp đang gây xôn xao dư luận là Quang Hải. Hiện Hải "con" đang rất tích cực đàm phán với Hà Nội FC về một bản hợp đồng mới. Tuy nhiên, trên lý thuyết đây là thời điểm mà Quả bóng vàng Việt Nam 2018 được thoải mái nói chuyện với một CLB khác, bởi hợp đồng của anh chỉ còn chưa đầy 6 tháng.

Quang Hải sắp hết hợp đồng với Hà Nội FC.

Năm 2019, Muangthong United của Thái Lan bán được Chanathip Songkrasin cho Consadole Sapporo với cái giá khổng lồ 2,7 triệu USD (khoảng hơn 60 tỷ đồng).

Nhưng giả sử hiện tại một đội bóng Nhật Bản muốn có Quang Hải. Họ chỉ cần đưa một lời đề nghị đủ sức thuyết phục đến cá nhân tiền vệ này và chờ đến tháng 4/2022 (thời điểm Quang Hải hết hợp đồng với Hà Nội FC) để lấy người mà không cần chi tiền chuyển nhượng.

Trên trang Transfermarkt, Quang Hải đang được định giá 330.000 USD (khoảng 7,5 tỷ đồng). Số tiền chuyển nhượng mà các đội bỏ ra thường cao hơn con số định giá này. Nghĩa là Hà Nội FC có thể mất trắng khoản tiền lớn. Tất nhiên, trên đây chỉ là giả sử, song cũng phải thấy rằng nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Có nhiều lý do ẩn khuất đằng sau việc thị trường chuyển nhượng tại V.League vẫn hoạt động theo một cách tương đối khác biệt. Và trong quá trình hội nhập với bóng đá thế giới, thói quen cũ có thể tạo ra những thiệt hại ngày càng lớn hơn.

Tác giả: Domino

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP