Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo làm cơ sở cho các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ với các kế hoạch chuyên ngành liên quan khác.
UBND tỉnh yêu cầu bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo và các nhiệm vụ, giải pháp xác định trong Kế hoạch này. Đồng thời, chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả.
Đến năm 2025, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh trên cơ sở kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; Kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy điều hành phòng thủ dân sự từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả. Bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cho cấp ủy đảng; năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự cho cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp; nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về phòng thủ dân sự cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thông tin, truyền thông tại các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương...
Từ năm 2025 đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tập trung đầu tư cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt đối với các loại hình sự cố, thiên tai có nguy cơ cao; chú trọng nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường huấn luyện, tập huấn, diễn tập thực nghiệm các vấn đề mới, phức tạp để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, làm cơ sở hoàn thiện các phương án ứng phó, khắc phụ hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành cho cán bộ các cấp, nâng cao kỹ năng cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm. Nghiên cứu chuyển giao ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công tác phòng thủ dân sự thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ...
Tác giả: Kim Oanh (T/h)
Nguồn tin: nghean.gov.vn