Trong tỉnh

Trẻ sơ sinh bị tật tịt lỗ mũi hiếm gặp

Bệnh nhi được chẩn đoán dị tật tịt lỗ mũi sau 2 bên. Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp, xuất hiện với tỷ lệ 1/5000-1/8000 trẻ sinh ra còn sống.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi.

Thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, ngay khi vừa chào đời, bé sơ sinh P.T.V (trú tại Nghi Lộc) bị suy hô hấp, không thể tự thở, phải chuyển cấp cứu ngay sang khoa Hồi sức Sơ sinh.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân chính xác và phẫu thuật điều trị thành công dị tật tịt lỗ mũi sau 2 bên cho bệnh nhi. Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp và là ca phẫu thuật dị tật tịt lỗ mũi sau 2 bên đầu tiên triển khai tại bệnh viện.

Ngày 8/9, bé V phải đặt ống nội khí quản, thở máy ngay sau khi chào đời bởi suy hô hấp nặng. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, chỉ định nội soi mũi chẩn đoán, chụp cắt lớp vi tính hàm mặt không tiêm thuốc cản quang, xác định lỗ mũi 2 bên phần màng lúc trẻ 1 tuần tuổi. Đánh giá phim cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị tật bị tịt lỗ mũi sau 2 bên. Đường thở của trẻ bị bít tắc hoàn toàn, trong khi trẻ sơ sinh chưa có phản xạ thở bằng miệng.

Ngày 3/10, bệnh nhi được can thiệp phẫu thuật mở thông lỗ mũi sau và đặt stent lúc 25 ngày tuổi dưới gây mê toàn thân trong phòng mổ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc và theo dõi tại khoa hồi sức tích cực ngoại khoa trong 3 tuần, sau đó được rút stent, tự thở được bằng mũi, toàn trạng ổn định và ra viện.

Ths.BS. Bùi Viết Tuấn – khoa Tai Mũi Họng – phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết : Tịt lỗ mũi sau là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện với tỷ lệ 1/5000-1/8000 trẻ sinh ra còn sống, nguyên nhân là do phần màng mũi miệng không thoái triển ở tuần thai thứ 38. Các trường hợp tịt lỗ mũi sau 2 bên cần được chẩn đoán và can thiệp sớm vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ thở bằng miệng dẫn đến thiếu oxy và suy hô hấp. Tịt lỗ mũi sau hai bên là một bệnh lý rất hiếm gặp trong thực hành lâm sàng.

"Ở những trẻ sơ sinh có biểu hiện khó thở, suy hô hấp thì các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cần nghĩ đến dị tật tịt lỗ mũi sau và gửi khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để xác định và có biện pháp can thiệp kịp thời", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP