Trong tỉnh

TP Vinh hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15

Sau 14 ngày Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch COVID-19, bắt đầu từ 0h ngày 3/7, TP Vinh (Nghệ An) chuyển sang Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

TP Vinh đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Kế hoạch này có hiệu lực thực hiện từ 0h ngày 3/7.

1. Công tác tuyên truyền

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, yêu cầu tất cả người dân thành phố, cùng người dân nơi khác đến thành phố phải thực hiện triệt để khuyến cáo 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai bảo y tế" và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuyên truyền các chế tài xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác chống dịch. Khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết.

2. Kiểm soát, xử lý khi có tình huống dịch bệnh

- Các lực lượng phòng, chống dịch của Thành phố và các phường, xã kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết mọi tình huống về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Khi phát hiện có ca nhiễm COVID-19, ổ dịch trên địa bàn phải chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp: khoanh vùng, phong tỏa hẹp ở nơi phát sinh ổ dịch, thực hiện truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực phong tỏa, kịp thời đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung và tổ chức quản lý chặt chẽ các trường hợp F2, F3 theo quy định.

3. Quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

- Tạm dừng hoạt động các dịch vụ: tại khu vực vui chơi, giải trí, tập thể dục thể thao tại sân vận động, công viên, nơi công cộng, phòng tập gym, thể hình, yoga, massage, spa thẩm mỹ, quán bar, cà phê, karaoke, vũ trường.

Sau 14 ngày Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, TP Vinh (Nghệ An) chuyển sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

- Quản lý chặt chẽ đối với các dịch vụ có tiếp xúc nhiều người như bán hàng shipper, online (hàng tuần xét nghiệm y tế kiểm tra), nhân viên giao dịch ngân hàng, bưu điện.

- Cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các cơ sở đã được cấp phép, bằng hình thức bán mang về, hoặc sử dụng tại chỗ, nhưng các cơ sở phải căn cứ vào tính chất mặt hàng, diện tích kinh doanh, để bố trí đảm bảo khoảng cách, an toàn theo quy định,

- Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh và Thành phố về việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoài địa bàn thành phố làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Thực hiện nghiêm túc và triển khai đầy đủ Kế hoạch phương án phòng chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp theo quy định.

Yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm “5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả các công nhân khi vào làm việc đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn và đeo khẩu trang. Đồng thời phải khai báo y tế bắt buộc tại các trung tâm y tế hoặc khai báo điện tử tại website http://tokhaiyte.vn

- Các doanh nghiệp phải có kế hoạch quản lý chặt chẽ người lao động và tổ chức sản xuất giãn cách, phân công hợp lý lao động theo từng ca để đảm bảo không tập trung quá đông người; xét nghiệm định kỳ, luân phiên theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Đối với các chợ, siêu thị phải có kế hoạch và phương án phòng chống dịch tại cơ sở kinh doanh và giao trách nhiệm cho Ban quản lý hay bộ phận có trách nhiệm triển khai, quản lý điều hành phù hợp với thực tế kinh doanh, đảm bảo an toàn cho người lao động và công dân.

- Yêu cầu và hướng dẫn người ra vào, tham gia hoạt động tại khu vực chợ phải thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế: đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người, hạn chế lượng người cùng một lúc tham gia hoạt động trong khu vực chợ, siêu thị thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

- Tổ chức lực lượng để hạn chế, quản lý chặt chẽ số chủ hàng, chủ phương tiện... là người các tỉnh khác và địa phương vùng dịch vào quan hệ trao đổi hàng hóa... nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm nguồn lây bệnh.

4. Duy trì các điểm chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19

- Trước mắt duy trì các chốt hiện hành, bỏ các chốt do các phường, xã thiết lập để kiểm soát thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như: trình báo giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Test nhanh, xét nghiệm PCR có kết quả âm tính, thời gian trong vòng 3 ngày kể từ ngày lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và phun khử khuẩn theo quy định.

- Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, phân luồng giao thông tại các giao lộ chính để các phương tiện đi qua ngoại tỉnh không vào địa bàn thành phố Vinh.

5. Quản lý hoạt động tổ chức sự kiện của các cơ quan, đơn vị

- Đối với các sự kiện chính trị: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm bố trí số lượng thành phần địa điểm dự sự kiện đảm bảo khoảng cách an toàn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức sự kiện.

- Đối với các sự kiện tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội: Thực hiện theo đúng quy định hiện hành, dừng tổ chức các lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tập trung đông người.

6. Quản lý hoạt động tại cộng đồng dân cư

Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức phải xây dựng mô hình “Tự quản" và huy động “4 tại chỗ" để thực hiện công tác phòng chống dịch ngay tại cơ sở.

Đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thành lập Tổ hoặc bộ phận để hướng dẫn quản lý, giám sát, theo dõi những diễn biến, biểu hiện, tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh liên quan đến cán bộ, người lao động để phòng chống có hiệu quả.UBND các phường, xã: Thành lập Tiểu ban Chỉ đạo hoạt động Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, thành phần gồm: Trưởng công an phường, xã làm Trường tiểu ban; Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, xã làm Phó trưởng Tiểu ban; thành viên gồm: đại diện công an, quân sự, y tế, các tổ chức chính trị xã hội phường, xã (tùy theo tính chất địa bàn có thể bổ sung thêm thành phần liên quan); Để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp tại địa phương,

Tại mỗi khối xóm, thành lập một tổ phòng chống dịch gồm các thành phần: Mỗi tổ có từ 3-5 người, tổ trưởng là đại diện Cấp ủy, Ban cán sự, ban công tác mặt trận, các đoàn thể, cán bộ y tế khối, xóm, tổ trưởng tổ dân cư; thành viên là đoàn viên, hội viên của các đoàn thể và đại diện các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn (nếu có). Thực hiện nhiệm vụ quản lý chặt chẽ số công dân tạm trú, thường trú, số vãng lai để hướng dẫn công tác phòng chống dịch và tham mưu xử lý vấn đề mới phát sinh tại cơ sở.

7. Xử lý vi phạm

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, ngoài việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng (nếu có), đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xem xét tính chất mức độ vi phạm để xử lý theo quy chế, quy định của ngành, của đơn vị.

- Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tùy theo mức độ vi phạm đề nghị cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm xử lý đối với người đứng đầu và tập thể có vi phạm, hoặc tạm dừng kinh doanh, dịch vụ đối với cơ sở có tái phạm nhiều lần.

- Giao cho các lực lượng chức năng của Thành phố thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm đối với người dân không chấp hành các quy định phòng chống dịch COVID-19.

Tác giả: Gia An (T/h)

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP