Trump liên tục chỉ trích ông và WHO, cáo buộc họ thiên vị Trung Quốc và đã xử lý sai khi đối phó với đại dịch. Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ tuyên bố Washington, bên đóng góp lớn nhất cho WHO, sẽ cắt ngân sách.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo ở Thụy Sĩ ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Tedros, 55 tuổi, chuyên gia sốt rét người Ethiopia, năm 2017 trở thành người châu Phi đầu tiên được bầu làm tổng giám đốc WHO. Những người ủng hộ miêu tả ông tận tụy, lôi cuốn và thân thiện. Trong khi đó, những người chỉ trích nói rằng ông giống một chính trị gia hơn là quan chức y tế và có cái tôi quá cao. Một nữ lãnh đạo y tế phàn nàn khi ông gọi bà là "lính của tôi", cho rằng cách gọi đó hạ thấp tự tôn của bà.
Khi nhậm chức, Tedros cam kết cải tổ WHO, tăng cường chương trình ứng phó khẩn cấp sau khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận y tế trên toàn cầu. Mục tiêu đó được định hình từ xuất thân cũng như học vấn của ông.
Tedros lớn lên ở vùng Tigray, bắc Ethiopia. Khi ông đang học ngành sinh học tại Đại học Eritrea, Asmara, em trai ông qua đời khi mới 4 tuổi, nghi do nhiễm sởi.
"Tôi đã không chấp nhận điều đó, giờ tôi vẫn vậy", Tedros nói với Time vào năm ngoái, phàn nàn về sự bất công khi những đứa trẻ chết ở Ethiopia vì thiếu chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Trong những năm 1990, Tedros tốt nghiệp thạc sĩ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London và tiến sĩ tại Đại học Nottingham trước khi trở về Ethiopia gia nhập bộ máy chính phủ. Năm 2005 - 2012, ông giữ chức bộ trưởng y tế trước khi làm ngoại trưởng trong 4 năm.
"Ông ấy tài giỏi, rất chu đáo và có chiến lược", Matthew Kavanagh, giáo sư y tế toàn cầu tại Georgetown, Mỹ, nói. "Điều khiến Tedros trở thành một lãnh đạo độc đáo là kỹ năng chính trị của ông. Điều đó quan trọng vì y tế là chính trị. Chúng ta đã thấy điều đó trên trường quốc tế năm 2020".
"Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc có một tổng giám đốc là người châu Phi. Ông ấy đã khiến mọi người chú ý đến những vấn đề bị lãng quên", Kavanagh nói.
"Có thiên hướng chính trị cũng là một đặc điểm quan trọng. Ông ấy biết cách phản ứng và thúc đẩy công việc trong một tổ chức có những thách thức tài trợ đáng kể", bà nói thêm.
Tuy nhiên, đặc điểm này cũng khiến ông hứng chịu chỉ trích. "Tôi rất thất vọng về ông ấy", một chuyên gia y tế công cộng giấu tên nói. "Ông ấy mải mê với chính trị thay vì bắt tay vào công việc".
Tedros đã gây tranh cãi khi còn là quan chức chính phủ Ethiopia. Ông được ca ngợi nhiều vì đã tái cấu trúc hệ thống y tế Ethiopia, triển khai 38.000 nhân viên y tế công cộng, giúp tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông bị cáo buộc đã che giấu dịch tả ở Ethiopia trong ba đợt bùng năm 2006, 2009 và 2011.
"Tedros là một quan chức y tế công cộng có lòng trắc ẩn và năng lực tốt. Nhưng ông ấy cần nói lên sự thật và thành thật ghi nhận, báo cáo các đợt dịch tả đã được xác minh trong một thời gian dài", Lawrence O. Gostin, người hiện giữ chức giám đốc Trung tâm hợp tác Luật Sức khỏe Cộng đồng và Nhân quyền của WHO, nói trong cuộc phỏng vấn với NYTimes ba năm trước. Gostin khi đó là cố vấn cho David Nabarro, đối thủ người Anh của Tedros trong cuộc đua vào ghế tổng giám đốc WHO.
Tedros bác bỏ cáo buộc này. Ông nói mình là nạn nhân của chiến dịch bôi nhọ vào phút chót "nhằm ngăn ông ngồi vào ghế quan chức y tế hàng đầu thế giới".
Vài tháng sau khi nhậm chức, Tedros lại gây tranh cãi khi chỉ định Robert Mugabe, khi đó là tổng thống Zimbabwe, làm đại sứ thiện chí của WHO. Ông đảo ngược quyết định khi vấp phải nhiều phản đối.
Nhưng lùm xùm này nhanh chóng bị lãng quên khi WHO dưới thời Tedros đã tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp và phản ứng nhanh chóng trước hai đợt bùng phát Ebola mới tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá WHO đã hành động quá chậm khi đối phó Covid-19. Các quan chức Đài Loan đã cảnh báo WHO ngày 31/12/2019 về khả năng Covid-19 lây nhiễm từ người sang người nhưng WHO dường như không lưu tâm.
Biên tập viên Therese Raphael của Bloomberg nhận xét WHO đã để lỡ "thời cơ vàng" để ngăn Covid-19, khi tới 30/1 cơ quan này mới ban bố tình trạng khẩn cấp. Cho tới tháng hai, Tổng giám đốc WHO vẫn từ chối khuyến nghị cấm toàn bộ chuyến bay hoặc đình chỉ đi lại với Trung Quốc, cho rằng động thái sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn lực trong cuộc chiến chống Covid-19.
Mặc dù nhiều nhà khoa học hàng đầu xem Covid-19 là đại dịch từ trước đó rất lâu, khi nó lây lan chóng mặt từ quốc gia này sang quốc gia khác, WHO chỉ công nhận điều này vào ngày 11/3.
Việc WHO liên tục dành cho Trung Quốc những lời ca ngợi, như giúp thế giới "câu giờ" trong cuộc chiến với Covid-19, cũng khiến nhiều người không đồng tình. Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của WHO, từng gây bức xúc khi phớt lờ câu hỏi của phóng viên về sự thành công của Đài Loan khi đối phó với nCoV. Thất vọng về phản ứng mang tính chính trị hóa như vậy, Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso châm biếm rằng WHO nên đổi tên từ "Tổ chức Y tế Thế giới" thành "Tổ chức Y tế Trung Quốc".
Điều phối viên đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng Deborah Birx hai tuần trước nói rằng những thông tin mà Trung Quốc cung cấp khiến thế giới nhận định nhầm rằng nCoV có thể dễ dàng kiểm soát hơn thực tế. Điều đó cũng cho thấy sai lầm của WHO khi quá "cả tin" dữ liệu từ Trung Quốc.
Nhiều người ủng hộ Tổng giám đốc WHO cho rằng với tư cách cựu ngoại trưởng Ethiopia, Tedros là người có thiên hướng ngoại giao, nên những lời ca ngợi Trung Quốc của ông nhằm đảm bảo quốc gia này tiếp tục chia sẻ những thông tin quan trọng.
Tuy nhiên, một số người cho rằng Trung Quốc là nước đã có nhiều tác động để Tedros có được vị trí như hiện nay. Trung Quốc được cho là đã sử dụng những cam kết về tài chính làm đòn bẩy để lôi kéo các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros năm 2017, từ đó giúp ông vượt qua ứng cử viên David Nabarro của Anh.
Trong khi đó, Tedros khẳng định WHO không thiên vị Trung Quốc và đã thông báo cho thế giới dữ liệu, thông tin và bằng chứng mới nhất. Ông kêu gọi "không chính trị hóa virus". "Nếu anh muốn bị lợi dụng và muốn thấy nhiều túi đựng xác hơn thì hãy làm điều đó. Còn nếu không thì hãy dừng lại", ông nói.
Phản ứng trước động thái cắt ngân sách của Trump, Tedros cho biết WHO "lấy làm tiếc về quyết định này" và thông báo tổ chức sẽ tự đánh giá cách xử lý đại dịch "vào thời điểm thích hợp". "Chắc chắn chúng tôi sẽ xác định những điểm cần cải thiện và sẽ có những bài học cho tất cả chúng ta".
Mặc dù vấp phải nhiều tranh cãi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng Tedros là người phù hợp để lãnh đạo tổ chức trong khủng hoảng. "Ông ấy chú ý lắng nghe, hỏi đúng trọng tâm, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và dùng chúng để ra quyết định", David Heymann, nhà dịch tễ học từng làm việc cho WHO, nói.
"Chúng ta có thể yêu cầu ông ấy chịu trách nhiệm cho những sai lầm nhưng rốt cục thì chưa có một tổng giám đốc WHO nào từng phải đối mặt với khủng hoảng lớn như thế này", Heymann nói. "Tôi nghĩ rằng phần lớn thời gian, ông ấy ở thế tiến thoái lưỡng nan".
Tác giả: Phương Vũ
Nguồn tin: Báo Vnexpress