Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chúc mừng tới các thầy cô giáo trên cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Moet. |
Để động viên, ghi nhận các đóng góp, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến và nâng cao tinh thần yêu nghề của đội ngũ nhà giáo, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ GD&ĐT, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Gợi mở 3 vấn đề với ngành giáo dục
Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chúc mừng, biểu dưỡng những thành tựu đã đạt được trong đổi mới giáo dục, đào tạo thời gian qua của toàn ngành giáo dục, của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bên cạnh kết quả, Tổng Bí thư thẳng thắn nhìn nhận đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng. Nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất.
Một số hạn chế của giáo dục, đào tạo kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm, như thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, còn lúng túng.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế; giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; "nặng" về lý thuyết, "nhẹ" về thực hành; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường...
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới, một bộ phận nhỏ vẫn còn có biểu hiện vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, trong khi xã hội hoá các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề với ngành giáo dục. Thứ nhất, phải tập trung thực hiện bằng được hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ hai, Tổng Bí thư chỉ đạo một số công việc cần làm ngay, đó là có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”.
Tổng Bí thư yêu cầu tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa... Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra...
Thứ ba là tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: Moet. |
Vai trò nhà giáo không thể thay thế
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo về thực trạng đội ngũ nhà giáo; gửi gắm những lời tâm huyết đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các em học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đến nay, tính cả khối công lập và ngoài công lập, trên cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề và đại học.
Trong đó, đội ngũ nhà giáo có trên 6.000 giáo sư và phó giáo sư, có khoảng gần 60.000 người có trình độ tiến sĩ. Có trên 600 nhà giáo được phong tặng nhà giáo nhân dân và trên 10.000 nhà giáo ưu tú.
"Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, hùng hậu, được chuẩn hóa và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như hiện nay", bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong số rất đông những người làm giáo dục, bộ trưởng nhìn nhận cũng có những trường hợp cá biệt, "chỗ này, nơi kia chưa thực sự mẫu mực", còn vụ lợi, có những hành động lời nói ứng xử không phù hợp với nghề nghiệp khiến xã hội chưa hài lòng, hoặc chưa theo kịp sự đổi mới.
Tuy nhiên, đó là số rất ít và cá biệt, cục bộ. Toàn thể lực lượng nhà giáo luôn theo Đảng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, say nghề, yêu nghề, yêu trò, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, vì sự nghiệp trồng người.
Theo bộ trưởng, giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn, song cũng nhiều thách thức. Lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Tháhc thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo...
Tuy nhiên, ngành giáo dục cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế.
"Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất", bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại.
Trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, bộ trưởng nhắn nhủ các nhà giáo trong kỷ nguyên mới cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn.
Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đón nhận huân chương lao động hạng ba. Ảnh: MOET. |
Cũng tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng huân chương lao động hạng Ba cho Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vì những đóng góp trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tác giả: Ngọc Bích
Nguồn tin: znews.vn