Mở đầu câu chuyện với phóng viên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) xúc động nghẹn nghào, nói rằng: “Tôi chưa gặp một vị lãnh đạo nào gần gũi và giản dị đến thế”.
Năm 2020, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều lên kế hoạch để mời Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là cựu học sinh của trường về dự.
Việc gặp mặt một lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước tham dự sự kiện của trường, thầy giáo Lê Trung Kiên vô cùng lo lắng, từ khâu tổ chức, đến việc khi gặp Tổng Bí thư sẽ trình bày thế nào cho phải. Hàng loạt những băn khoăn, lo lắng, hồi hộp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) (Ảnh: Nhà trường cung cấp). |
Thầy Kiên vẫn nhớ như in ngày 4/11/2020 khi nhận được cuộc gọi từ Thư ký Tổng Bí thư, hẹn đại diện nhà trường đến văn phòng làm việc của Tổng Bí thư để nói chuyện. Qua nhiều vòng rà soát an ninh, thầy Kiên cùng một số giáo viên khác được mời vào phòng làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dừng chân trước cửa phòng, thầy Kiên không khỏi “giật mình” khi thấy căn phòng làm việc của người đứng đầu đất nước nhưng quá đỗi đơn sơ, giản dị. Căn phòng chỉ có một chiếc bàn làm việc dài, được Tổng Bí thư kiêm luôn dùng tiếp khách và một bộ ghế. Trên tường không có thứ gì khác ngoài ảnh Bác Hồ và bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới.
“Vào cửa, chúng tôi xưng cháu, chào Tổng Bí thư, nhưng ông lại chào lại chúng tôi là “em chào thầy, cô. Những giáo viên đến gặp Tổng Bí thư hôm đó cũng chỉ đáng tuổi con, cháu ông. Nhưng suốt buổi nói chuyện, ông đều gọi chúng tôi là thầy, cô và xưng em. Cách gọi, cách nói chuyện vô cùng thân thiện, gần gũi và coi trọng ấy, khiến chúng tôi càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của một nhà giáo”, thầy Kiên kể.
Cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thầy giáo chủ nhiệm cũ trong lần cuối cùng về thăm trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp). |
Thầy Kiên chia sẻ, trước khi đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, căng thẳng, hồi hộp bao nhiêu, thì khi nói chuyện lại càng cảm thấy gần gũi, thoải mái bấy nhiêu. Sau khi nghe nói qua về kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Giấy mời em đã nhận được rồi, em thấy chương trình tổ chức như này rất phù hợp”. Tiếp đó, Tổng Bí thư hỏi 2 câu hỏi: “Trong lễ kỷ niệm, nhà trường có mời các thế hệ thầy cô giáo cũ không?”, “Trường có mời các thế hệ học trò cũ không”?
Chỉ với 2 câu hỏi ngắn, nhưng thầy giáo Lê Trung Kiên đã cảm nhận rõ sự tinh tế và khiêm nhường đáng quý ở một nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Biết trường sẽ mời các thế hệ giáo viên, học sinh, trong đó có cả thầy giáo chủ nhiệm của mình, Tổng Bí thư rất phấn khởi.
|
“Khi nghe tôi trình bày xong về buổi lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư nói: "Thưa thầy, em có rất nhiều việc quan trọng, nhưng việc này cũng là một việc quan trọng với em. Ngày hôm đó, nếu Bộ Chính trị có việc họp đột xuất, hoặc sức khỏe của em các bác sĩ không cho phép, còn không em sẽ đến dự”. Khi nghe Tổng Bí thư nói vậy, cảm xúc trong tôi như vỡ òa, phần vì vừa hoàn thành được một nhiệm vụ quan trọng của trường, nhưng hơn cả là bởi tình cảm, cách nói chuyện quá đỗi gần gũi, thân thương của Tổng Bí thư”, thầy Kiên kể.
Tiếp câu chuyện, thầy Kiên chia sẻ, bản thân càng xúc động hơn bởi trước khi ra về hôm đó, Tổng Bí thư nói rằng: “Thưa thầy cô, hôm ấy em về dự, xin được dự với tư cách là một cựu học sinh của nhà trường, không phải là một người đứng đầu Đảng, Nhà nước”. Khi nghe những lời đó, thầy Kiên lại nhớ về những dịp kỷ niệm 60, 65 năm thành lập trường, khi đó dù đã là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, dù bận đến mấy, người cựu học trò ấy cũng về dự bằng được, nhưng không ô tô đưa đón, vị Ủy viên Trung ương Đảng khi ấy nhờ một người cháu chở trên chiếc xe máy cub 82 cũ đến dự như bao cựu học sinh bình thường khác.
“Ngày đó tôi mới về trường công tác và vô cùng xúc động bởi sự giản dị ấy”, thầy Kiên nói.
Sự giản dị, gần gũi, tình cảm và hết sức khiêm nhường là điều mà thầy Lê Trung Kiên không thể nào quên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lại nói đến lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường khi đó, thầy Kiên kể, BTC đã sắp xếp để Tổng Bí thư ngồi cạnh thầy giáo chủ nhiệm cũ của mình cho tiện tâm sự, thế nhưng, Tổng Bí thư lại e ngại khi mình được ngồi ngang hàng với thầy giáo chủ nhiệm. Bao năm qua, những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn được các giáo viên kể lại với các thế hệ học trò, nhằm truyền lửa và giáo dục lẽ sống cho các em.
Cùng kể về những lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô giáo Nguyễn Minh Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều không cầm được nước mắt: “Khi nghe tin sức khỏe của bác Tổng Bí thư qua báo, đài, chúng tôi lúc nào cũng cầu mong Bác nhanh khỏe lại. Đến khi nghe tin chính thức, chúng tôi bàng hoàng, xót xa”.
Trong suốt cuộc nói chuyện, cô Châu luôn gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Bác”. Cô bảo, trong những lần được gặp Tổng Bí thư, lúc nào bác cũng gần gũi, quan tâm mọi người, căn dặn từng chút như người cha, người ông trong gia đình.
“Trong khi đến mời Tổng Bí thư về dự lễ kỷ niệm thành lập trường, Bác liên tục hỏi thăm về công tác dạy và học ở trường, Bác cũng hỏi thăm về các cháu học sinh, chiến lược phát triển của nhà trường. Thời gian đó, dịch Covid-19 mới bắt đầu, nhưng Bác đã dặn trong bối cảnh dịch bệnh, phải hết sức quan tâm đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của học sinh. Bác đặc biệt nhắc nhở, cần quan tâm đến những em có hoàn cảnh đặc biệt, ngày nay sự khó khăn không chỉ dừng lại ở chuyện nghèo đói như ngày xưa, mà cần quan tâm để không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Bác nhấn mạnh rằng, nhà trường cần quan tâm đến các thầy cô giáo là cựu giáo chức ở trường. Sau bao năm, Bác vẫn nhớ từng thầy cô đã học năm xưa, bác hỏi về thầy giáo chủ nhiệm với sự trân quý, kính trọng và rất thiêng liêng. Nghe Bác nói chuyện, tôi rất xúc động, dù ở vị trí nào đi nữa, Bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn biết ơn, tôn kính những người thầy, người cô của mình.
Trong những lần về thăm trường, lần nào Bác cũng dành thời gian để nói chuyện, động viên, chia sẻ rất thân tình với giáo viên. Ban đầu không khí có vẻ rụt dè, nhưng sau đó mọi khoảng cách đều bị xóa nhòa bởi sự gần gũi, tình cảm của Bác”, cô Châu chia sẻ.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: vov.vn