Kinh tế

Tổ tiết kiệm tín dụng giúp phụ nữ bản Phòng phát triển kinh tế

Với số tiền nhỏ gửi góp hàng tháng, các hội viên phụ nữ bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đã giúp nhau tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

Chị Lô Thị Chín tham gia Quỹ tín dụng tiết kiệm của chi hội bản Phòng đã được 1 năm nay. Được vay 30 triệu vốn sản xuất, chị đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gà, nuôi ếch, trồng cây nông sản. Sản phẩm làm ra, chị trực tiếp mang ra chợ tiêu thụ. Nhờ có nguồn vốn quỹ tiết kiệm tín dụng tại chỗ mà những chị em có hoàn cảnh khó khăn như chị Chín được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

“Được vay vốn từ quỹ tín dụng, tôi đã lấy ngắn nuôi dài, đầu tư trồng vườn trồng các loại rau sạch, mua nguyên vật liệu làm chuồng nuôi gà, nuôi ếch. Bây giờ có sản phẩm tôi mang ra chợ bán, nhờ có đồng ra đồng vô, hiện nay kinh tế gia đình cũng ổn định” - Chị Chín chia sẻ.

Sản phẩm làm ra, chị Lô Thị Chín trực tiếp mang ra chợ tiêu thụ.


Mô hình tổ tiết kiệm tín dụng tại chỗ của hội viên phụ nữ bản Phòng nhằm mục tiêu xây dựng nguồn vốn để hỗ trợ chị em giải quyết những khó khăn trước mắt, khuyến khích chị em tạo thói quen tiết kiệm từ những khoản tiền nhỏ, tạo lập nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất hoặc tiêu dùng khi cần thiết, phát huy nội lực của từng hộ gia đình trong cộng đồng để hỗ trợ hội viên và phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Hàng tháng, các buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” của chị em phụ nữ bản Phòng luôn đông vui tấp nập. CLB đi vào hoạt động từ năm 2015, sau một thời gian chị em thấy mô hình tổ tiết kiệm tín dụng này hoạt động hiệu quả nên tự nguyện xin tham gia, đến nay có tất cả 25 thành viên.

Từ việc đóng góp vào quỹ tiết kiệm tín dụng tại chỗ, đến nay, CLB đã tạo điều kiện cho 20 lượt hội viên được vay vốn sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, chi hội phụ nữ bản Phòng được dự án OXFAM hỗ trợ, khi dự án rút đi chị em phụ nữ tiếp tục phát huy dự án đó. Đến thời điểm này, nguồn vốn của quỹ đã lên 76 triệu đồng, cho chị em phụ nữ phát triển chăn nuôi trồng trọt. Mô hình đó rất có hiệu quả về kinh tế và tạo ra tính đoàn kết cao của chị em. Chị Lữ Thị Thiện - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Giám, Tương Dương cho biết thêm.


Được vay vốn, chị em hội viên đã đầu tư vào phát triển kinh tế làm vườn, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngoài nguồn vốn quỹ tín dụng tiết kiệm, chi hội còn quản lý tốt nguồn vốn hỗ trợ của OXFAM với tổng số tiền 16 triệu đồng, cho 17 chị vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiệu quả ban đầu thấy rõ ở những hộ gia đình được vay vốn đã giúp chị em trong câu lạc bộ tin tưởng, tiếp tục tích cực đóng góp xây dựng nguồn quỹ, luân chuyển vốn vay giúp nhiều chị em hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều chị đã sử dụng đồng vốn hiệu quả, tiêu biểu như gia đình chị: Lô Thị Tâm, Kha Thị Lý, Mạc Thị Hường, Lương Thị Xuân…

Bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế, chi hội thường xuyên chú trong công tác tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt Hội, vận động chị em tham gia tổ chức Hội là quyền và trách nhiệm của chị em đối với tổ chức Hội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực khi tham gia Hội. Đến nay, đã có 120 chị tham gia sinh hoạt hội, đạt tỷ lệ thu hút hội viên là 86%. Chị em luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, đoàn kết giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực của cuộc sống như chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ gia đình hạnh phúc, giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đã góp phần giảm tỷ lệ hội nghèo của bản, hiện nay xuống còn 17 hộ .

Chi hội phụ nữ bản Phòng đã thực hiện thành công mô hình quỹ tín dụng tiết kiệm, xuất phát từ dự án OXFAM- Hồng Kông. Từ đó tạo được nguồn vốn cho chị em phát triển kinh tế gia đình. Từ mô hình đó đã phát triển mạnh mẽ, chị em đã tổ chức được nhiều hoạt động. Chi hội này cũng đã thành lập được CLB dân ca dân vũ, phát huy được bản sắc băn hóa, từ đó thu hút được chị em phụ nữ trên địa bàn tích cực tham gia vào tổ chức hội... Chị Trần Thị Thanh- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương đánh giá.

Nhờ cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn quỹ tiết kiệm tín dụng, đến nay CLB đã tạo điều kiện cho 20 lượt hội viên vươn lên thoát nghèo.


Từ hiệu quả thực tế của mô hình tiết kiệm tín dụng tại chỗ ở chi hội phụ nữ bản Phòng, thời gian tới, Hội LHPN huyện Tương Dương đặt mục tiêu tiếp tục duy trì 100% mô hình quỹ tín dụng tiết kiệm đã hoạt động, đồng thời xây dựng và phát triển mô hình này tại 18 xã, thị trấn, phấn đấu có 90% hội viên phụ nữ trong toàn huyện tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm.

Tác giả bài viết: Hiến Chương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP