Hoạt động và thành tích nổi bật |
Là SV lớp chất lượng cao khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thanh Nguyệt từng nhận học bổng loại giỏi và xuất sắc trong suốt 8 kỳ học thời sinh viên.
Tình yêu với môn Văn và nghề giáo
Học chuyên Văn thời phổ thông nên Nguyệt tiếp tục gắn bó môn học này trong 4 năm đại học. Thanh Nguyệt cho biết: “Lúc đó, em cảm thấy nếu không học Văn thì có cảm giác sẽ bỏ lỡ gì đó, sẽ phải tiếc nuối.
Môn Văn cho em không gian để sống và viết với những suy nghĩ của mình. Em không muốn làm việc gì đó quá gấp gáp, và Văn có lẽ là một trong những môn học khiến con người nhận ra đời sống có sự tĩnh tại, có những khoảng đáng nghĩ ngợi...
Trong 4 năm đại học, em rất biết ơn, vì đã được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, sẵn sàng ngồi lại để nói về những điều chẳng ai nói, về những điều đọc được, phát hiện được, về những nỗi buồn chán và về cả niềm vui”,
Để có thể sống trọn vẹn với Văn học, Nguyệt chọn ngành Sư phạm và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Theo Nguyệt, nghề giáo viên nhiều vất vả, nhưng có những giá trị bền vững không dễ tan biến.
“Em chưa bước sâu vào nghề, nhưng nhìn vào những người thầy cô mình luôn dành sự ngưỡng mộ, quý trọng, em thấy được giá trị tốt đẹp, tuyệt vời của tình cảm học trò”, Nguyệt bày tỏ.
Tốt nghiệp đại học không lâu, Nguyệt đã sớm tìm được cơ hội phù hợp với ngành nghề của mình: giáo viên tập sự trường cũ - THPT Chu Văn An. Nhìn học sinh cấp 3, Nguyệt luôn nghĩ về mình ở 5, 6 năm trước.
Cô bí thư chi đoàn CLCK62 khoa Ngữ văn tâm sự: “Đó là độ tuổi hồn nhiên nhưng cũng nhiều u buồn, đặc biệt là không thiếu các trải nghiệm và kỉ niệm tươi đẹp, sâu sắc.
Giờ là một cô giáo, em không chỉ là người dạy, còn được học rất nhiều từ học sinh của mình - những người đang ở thời điểm tràn đầy nhiệt huyết và sáng tạo trong tư duy, đặc biệt là khả năng tiếp cận, thích ứng với cái mới”.
Theo Nguyệt, bản thân việc dạy học không chỉ là truyền tri thức, mà đúng hơn là sự trao đổi giữa cô và trò, mà trao đổi thì bao giờ cũng sẽ có sự cho đi và nhận lại.
Nguyễn Thanh Nguyệt (trái) - nữ thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội, rạng ngời trong ngày tốt nghiệp.
Dũng cảm làm cái gì đó, sống như là tuổi trẻ
Trong những năm đại học, Nguyệt không chỉ luôn giữ được kết quả học tập tốt, còn tích cực tham gia các hoạt động trong trường. Nguyệt vừa đóng góp công sức cho nhiều CLB, vừa đảm nhiệm vị trí Bí thư lớp Tài năng và Phó Bí thư Liên chi.
Với Nguyệt, quá trình đó không chỉ để cống hiến, mà còn là cơ hội để tìm cho mình các giá trị, bài học đáng quý. Khi còn trẻ, con người dám làm nhiều thứ hơn và cũng có tự do để làm những điều mình muốn hơn. Tuổi trẻ rất đẹp, mà cái đẹp ấy thì rất khó quay lại lần nữa trong đời.
“Với những việc chưa làm tốt, em sẽ nhận ra giới hạn của bản thân, để biết được khả năng chính mình. Em cũng được gặp gỡ, được giao lưu, được học hỏi từ bạn bè, các anh chị đi trước. Và hơn hết là em có cảm giác được sống hết mình, được cố gắng, dũng cảm làm cái gì đó, như là tuổi trẻ sôi nổi, rực lửa”, cô cho biết.
Sự kiện để lại nhiều kỉ niệm cho Nguyệt là kì thi Nghiệp vụ Sư phạm cấp trường. Khoa Ngữ văn có đông sinh viên nhất nên các hoạt động diễn ra thường có quy mô lớn, thường xuyên và liên tục. Cả tuần lễ liền gần như hôm nào nhóm Nguyệt cũng ở lại trường tới khuya, ăn bánh mì, bàn bạc ý tưởng cùng nhau.
Với Nguyệt, việc tham gia các hoạt động xã hội không chỉ để cống hiến, mà còn là cơ hội để tìm cho mình các giá trị, bài học đáng quý...
“Trông thì rất vui vẻ, nhưng lúc đó em biết ai cũng căng thẳng, lo lắng, nhưng lại không dám nói ra vì sợ cả đội áp lực. Nhưng em là đội trưởng, em biết hết. Có những lúc đang đêm các bạn không ngủ được, nhắn tin là “Mình lo quá”, hay một số anh/chị lo lắng tới mức viết cả một email dài để động viên, dặn dò chúng em”, Nguyệt nhớ lại.
Khi đó, Nguyệt lại vực tinh thần của các bạn bằng chính năng lượng và động lực của mình. Đối với Nguyệt, kỉ niệm không có gì đặc biệt, nhưng lúc nào cô cũng nhớ, vì ở thời điểm khó khăn nhất của sinh viên, luôn có người đồng hành với mình, không ngại khó, không ngại khổ. Nguyệt cho rằng đó là những điều mà chỉ ở thời sinh viên mới có được.
Xuất sắc trong học tập và nổi trội ở các hoạt động ngoại khóa, cách để Nguyệt cân bằng, đạt được điều đó là khả năng quản lý thời gian. Đối với việc học, Nguyệt luôn tìm được điều mình thích, quan tâm, từ đó liên hệ thực tế và đọc thêm tài liệu, chứ không “cày cuốc” ngày đêm.
Về hoạt động ngoại khóa, Nguyệt thường không “ôm đồm” mọi thứ một mình, mà chia sẻ và kêu gọi sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè. Và với Nguyệt, điều này giúp cô cảm thấy việc mình làm là niềm vui, là sự nhẹ nhõm nên hoàn thành công việc được tốt hơn.
Tác giả bài viết: Hoài Thư