Năm 2017 và đầu 2018, ông Trần Đình Long liên tiếp lập những kỷ lục thần kỳ. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của doanh nhân này tiếp tục giữ vững vị trí thống trị trong ngành thép với mức lợi nhuận sau thuế 2017 cao lịch sử 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước.
Giá cổ phiếu HPG liên tục tăng vọt: 66.700 đồng/cp hồi đầu tháng 3 vừa qua. Ông Trần Đình Long cũng bất ngờ trở thành tỷ phú USD thứ 5 của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trịnh Văn Quyết (FLC), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet) và ông Nguyễn Đăng Quang (Masan).
Gần đây, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long củng cố khá vững chắc vị trí đầu ngành trên thị trường ông thép nhờ đẩy mạnh triển khai Đại dự án thép Dung Quất, trong khi đó đối thủ lớn nhất - Tập đoàn Hòa Sen của ông Lê Phước Vũ đang gặp vướng mắc với Đại dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận.
Hàng loạt tin tốt dồn dập đến với doanh nghiệp của ông Trần Đình Long. Tuy nhiên, gần đây, các tín hiệu xấu cũng đã đến với doanh nghiệp của ông trùm ngành thép này.
Quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) khiến thị trường thế giới chấn động. Tỷ phú Việt ngành thép được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.
|
Trên thực tế, lượng thép xuất khẩu của HPG vào Mỹ không lớn. Nhưng việc ông Trump áp thuế cao cũng đã khép lại cơ hội mở rộng xuất khẩu và đảm bảo triển vọng tăng trưởng cao hơn của Tập đoàn Hòa Phát.
Nó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch dài hạn của Hòa Phát. Thời gian tới, năng lực sản xuất lớn của Hòa Phát là rất lớn. HPG cũng đã đặt kế hoạch hướng tới doanh thu 100 ngàn tỷ (gấp 3 lần 2016) nhờ cú huých từ dự án Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi.
Mỹ là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất thế giới và là nước có chi phí sản xuất thép thuộc loại cao. Việc Mỹ áp thuế sẽ khiến các doanh nghiệp thép Việt khác mất đi một thị trường lớn trong tương lai. Trong đó chính đối thủ của ông Long, đại gia Lê Phước Vũ không là ngoại lệ khi DN này có thị phần xuất khẩu lớn và đang tham vọng mở rộng.
Trong vài ngày gần đây, HPG còn bị ảnh hưởng bởi tin đồn nhảm ông Trần Đình Long “hạ thế” vì đột quỵ. Hôm qua 8/5, vụ cháy trong Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (huyện Kinh Môn, Hải Dương) của Công ty Thép Hòa Phát khiến 4 công nhân bị bỏng nhiệt, trong đó 3 người đã tử vong. Vụ việc xảy ra trong quá trình khu này dừng để sửa chữa, nâng cấp thiết bị từ cuối tháng 3-2018 và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 6-2018.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn đang gặp khó như Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức, Dabaco Việt Nam (DBC),...
Những diễn biến khó lường trên thị trường cùng với quyết định đầu tư dàn trải, vay nợ lớn... khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Dabaco Việt Nam trong năm 2017 chỉ đạt lợi nhuận 200 tỷ đồng, giảm 56% so với năm trước đó. HAG của Bầu Đức trong khi đó gặp khó khăn từ chăn nuôi bò.
Sau một thời gian tăng nóng, nhiều cổ phiếu trên TTCK vẫn chịu áp lực bán ra lớn, nhất là trong bối cảnh khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong khoảng 6 tuần qua. Tuần đầu tháng 5, khối ngoại bán ròng tiếp 2 ngàn tỷ khiến nhiều người lo ngại.
Trong tháng 4, giới đầu tư đã chứng kiến VN-Index giảm mạnh nhất thế giới, mất gần 10,4%.
Một điều đáng buồn là thanh khoản có xu hướng đi xuống. Nhiều cổ phiếu trụ cột tăng trở lại nhưng không vượt qua được sự thiếu hụt dòng tiền.
Theo một số CTCK, hiện tượng khối ngoại bán ròng cũng không quá đáng ngại. Đây có thể chỉ là một đợt tái cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài. Triển vọng TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt. Thời gian tới, nếu Mỹ tăng lãi suất, dòng vốn ngoại có thể không còn đổ vào nhiều nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là một lựa chọn tốt hơn các thị trường khác.
Kết thúc phiên giao dịch 8/5, VN-index giảm 1,81 điểm xuống 1.060,45 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm xuống 125,33 điểm. Upcom-Index tăng 0,1 điểm lên 56,82 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,9 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet