Kinh tế

Tiết lộ về tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" của Pacific Airlines

Vietnam Airlines tiết lộ tình hình tài chính của Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông vừa được công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) lên kế hoạch doanh thu công ty mẹ năm nay đạt 45.252 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia lại dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa trong năm nay.

Cũng tại tài liệu họp, Vietnam Airlines tiết lộ về tình cảnh của Pacific Airlines hiện tại: "Đến tháng 6, tình hình tài chính của Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động".

Theo đó, Vietnam Airlines đang triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Vietnam Airlines đang điều hành 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong giai đoạn này, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines.

Pacific Airlines là công ty con của Vietnam Airlines khi hãng hàng không quốc gia đang sở hữu 98% cổ phần tại Pacific Airlines. Pacific Airlines hiện nay có vốn điều lệ là 3.522 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong các hãng hàng không của Việt Nam.

Trong khi đó, đối với việc nhượng vốn tại Cambodia Angkor Air (K6), Vietnam Airlines cho biết năm 2021 đã hoàn tất việc đàm phán và thực hiện ký kết bộ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho K6. Trong quý I, về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Về chủ trương bán 6 tàu ATR72, do thị trường tàu bay chưa thuận lợi nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất việc bán các tàu bay này. Còn đối với việc bán 5 tàu A321 CEO năm 2019 và 9 tàu A321 CEO năm 2020, Vietnam Airlines cho biết đã bán 5 tàu sản xuất 2004-2005, còn 9 tàu sản xuất 2007-2008 mặc dù thực hiện bán 2 lần vào năm 2021 nhưng không thành công.

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Năm 2022, công ty đang triển khai bán 2 tàu thông qua hình thức thuê lại sau khi chuyển đối cấu hình sang tàu chở hàng; tiếp tục triển khai bán 7 tàu còn lại trong thời gian tới.

Tại họp đại hội năm 2022, cổ đông sẽ thông qua việc miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Tomoji Ishii do có đơn từ nhiệm ngày 31/3. Doanh nghiệp này sẽ tiến hành bầu bổ sung ông Hiroyuki Kometani (sinh năm 1965, người Nhật Bản) hiện là Phó chủ tịch cấp cao của Ana Holdings - đối tác chiến lược của Vietnam Airlines, thay thế.

Quý I vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.620 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc giá vốn tăng lên 13.214 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp âm 1.594 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia báo lỗ 2.685 tỷ đồng, qua đó nâng số lỗ lũy kế lên 24.575 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP