Trong tỉnh

Tiếp vụ “Lạm quyền cản trở liên danh vận hành nhà máy xử lý nước thải TP Vinh”: Chính quyền thờ ơ, công an xuất hiện khó hiểu?

Liên quan đến việc Cty INFRAVI đơn phương “tước” quyền vận hành của đồng liên danh là SFC Việt Nam, không hiểu UBND TP Vinh được báo cáo như thế nào mà cơ quan này đã có những nhận định thiếu chính xác.

Cty INFRAVI cho hàn cửa ngăn tầng 1 và tầng 2 để không cho người của Cty SFC lên tầng 2

Chính quyền nhận định thiếu chính xác

Như PLVN đã thông tin, chiều 31/5/2019, trong khi Nhà máy xử lý nước thải thành phố Vinh (đóng tại xã Hưng Hòa, TP Vinh) đang vận hành bình thường thì lãnh đạo Cty CP Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI) đến phòng vận hành yêu cầu nhân viên của Cổ phần đầu tư phát triển môi trường Việt Nam (Cty SFC – doanh nghiệp liên danh với INFRAVI để vận hành nhà máy) mượn phòng để kiểm tra kết quả quan trắc. Nhưng sau đó, người của Cty INFRAVI khóa cửa phòng điều hành, không cho nhân viên SFC vào; đồng thời chuyển tủ tài liệu, thiết bị của Cty SFC xuống tầng 1. Sự việc gây bức xúc và lo lắng cho người của Cty SFC.

Thực tế cho thấy, Nhà máy này là tài sản công được UBND tỉnh Nghệ An giao cho UBND TP Vinh đại diện chủ đầu tư để ký hợp đồng quản lý, vận hành với liên danh SFC – INFRAVI. Như vậy, INFRAVI cũng chỉ là đơn vị “làm thuê” cho chủ đầu tư. Vậy nhưng, doanh nghiệp này lại “lạm quyền” của chủ đầu tư khi cản trở nhân viên của SFC trong việc vận hành nhà máy.

Liên quan đến sự việc này, không hiểu UBND TP Vinh đã cho kiểm tra và được báo cáo như thế nào mà khi trao đổi với PLVN, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Lê Sỹ Chiến đã thông tin một số vấn đề chưa chính xác. Theo ông Chiến, việc liên danh là tự nguyện giữa hai bên, tỉnh và thành phố không ép, trên cơ sở của pháp luật dân sự. Sau khi thi công xong, thời điểm bàn giao nhà máy thì Cty INFRAVI chưa đủ điều kiện và năng lực vận hành nên xin phép UBND tỉnh cho phép liên danh với SFC để vận hành nhà máy.

“Thành phố thấy đây là việc làm ăn giữa các doanh nghiệp theo Luật Dân sự với nhau. Tuy nhiên, thành phố cũng cẩn thận là trước đây xin phép tỉnh thì giờ cũng phải báo cáo với UBND tỉnh về việc xin không liên danh nữa. Sau đó UBND tỉnh có văn bản trả lời là thực hiện theo quy định của pháp luật”, ông Chiến nói. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận văn bản trả lời thì ông Chiến cho biết: “Cái này cần phải có thời gian để tìm chứ chưa có liền được”. Ông Chiến cho biết thêm, hiện hai công ty vẫn liên danh vận hành, INFRAVI không đuổi Cty SFC mà chỉ không cho tiếp xúc với phòng máy chủ, còn các phòng khác vẫn bình thường.

Trả lời của ông Chiến là khá rõ ràng nhưng cũng xuất hiện một số thông tin khó hiểu. Bởi lẽ, liên quan đến việc vận hành thì UBND TP Vinh đại diện chủ đầu tư ký với liên danh SFC và INFRAVI, như vậy INFRAVI cũng là đơn vị ngang hàng với SFC. Vậy INFRAVI lấy quyền gì và vì sao không cho cán bộ SFC tiếp xúc phòng máy chủ trong khi quyền vận hành của 2 bên là ngang nhau. Hơn nữa, ông Chiến cho rằng INRAVI “không đuổi SFC”, vậy ông Chiến đã đi thực tế nhà máy chưa hay được báo cáo như thế nào? Bởi thực tế cho thấy, người của SFC không những bị yêu cầu và chuyển đồ từ tầng 2 xuống tầng 1, người của INFRAVI còn cho hàn cửa ngăn tầng 1 và tầng 2 để không cho người SFC lên tầng 2.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Chiến thì khi được báo cáo UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo phải thực hiện theo pháp luật. Vậy việc làm của INRAVI đã đúng pháp luật chưa?

Khó hiểu sự về xuất hiện của công an

Liên quan đến sự việc này, chiều 31/5, khi ông Hoàng Hồng Khanh – Chủ tịch HĐQT Cty INFRAVI dẫn người đến để cản trở quyền vận hành nhà máy của nhân viên Cty SFC thì cũng xuất hiện lực lượng công an xã này tại hiện trường. Nếu như theo lời Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Lê Sỹ Chiến, đây là tranh chấp dân sự giữa SFC và INFRAVI thì cần gì phải có sự xuất hiện của công an. Phải chăng công an xuất hiện nhằm thị uy với bên bị cản trở quyền vận hành nhà máy?

Chưa hết, khi PLVN và một số cơ quan báo chí có bài phản ánh sự việc thì chiều 3/6 tại nhà máy xuất hiện cùng ông Hoàng Hồng Khanh là một đại úy công an xưng tên là Giáp đến “nói chuyện” với đại diện Cty SFC với những phát ngôn coi thường báo chí. Chúng tôi xin trích đăng lời công an Giáp: “Đây là cái đất Hưng Hòa mà em phụ trách, các bác làm chi (làm gì) cũng được, nhưng các bác thông qua ủy ban, các bác không tiện thì lấy số của em (của cảnh sát khu vực) nói là “À chú Giáp à, nhà báo đến chú à”. Giờ tự nhiên nhà báo đến viết lên mạng, rất dở, anh hiểu không. Người ta sẽ nghĩ rằng là “à vấn đề này không phải là vấn đề nhỏ nữa, là vấn đề khác rồi”, đó là em nói để rút kinh nghiệm”.

Vị cảnh sát này nói tiếp: “Nhà báo đừng chơi, không biết đúng hay sai nhưng em nghĩ nhà báo vẽ ra, em nghĩ là không phải thế, báo viết là ông Thắng bức xúc cho biết. Nó dở đoạn đó, bức xúc là khác, cái này anh rút kinh nghiệm”.

Chúng tôi liên hệ với Trưởng Công an xã Hưng Hòa thì được xác nhận đơn vị có một chiến sỹ tên Nguyễn Mạnh Giáp, địa bàn nhà máy xử lý nước thải do Giáp quản lý. Phía đơn vị cũng chưa nắm rõ nội dung công việc giữa hai công ty (SFC và INFRAVI). Nếu đi giải quyết các tình huống cụ thể thì phải có lệnh của đơn vị mới được giải quyết, còn việc đi nắm tình hình phụ trách trên địa bàn là trách nhiệm và nhiệm vụ của cảnh sát khu vực.

Từ trả lời của lãnh đạo UBND TP Vinh và sự xuất hiện của cán bộ công an can dự vào sự việc này, liệu có không sự báo cáo chưa chính xác và sự nhờ vả của của INRAVI? Thiết nghĩ UBND tỉnh và Công an Nghệ An cần sớm chỉ đạo làm rõ vấn đề?

Công bố dự án cao tốc Bắc - Nam qua huyện Nghi Lộc

Tác giả: N.Toàn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP