Sự việc kéo dài triền miền trong sự sốt ruột của doanh nghiệp sở hữu. Ảnh: Việt Khánh. |
Qua 2 năm mọi thứ vẫn như một mớ bòng bong, tệ hơn khi bản chất sự việc đang bị bóp méo…
Gỗ có nguồn gốc
Năm 2018, do ảnh hưởng của trận mưa, lũ lịch sử bên Lào đã cuốn theo hơn 900m3 gỗ tròn, xẻ các loại của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại tổng hợp (ĐTXD - TMTH) Nam Thành Quang về địa phận sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn 2 huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An.
“Của đau con xót”, doanh nghiệp này đã cuống cuồng huy động nhân lực, vật lực nhằm trục vớt tài sản còn sót lại. Dù vậy do đối mặt với nhiều yếu tố bất thuận, đến tận thời điểm này đơn vị mới thu về được hơn 394m3. Số gỗ đang được chính Công ty đứng ra bảo quản tại 3 điểm tập kết của các xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) và Keng Đu, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn).
Đoàn kiểm tra xác minh số gỗ trục vớt được là của Công ty Nam Thành Quang. Ảnh: Việt Khánh. |
Ngày 15/9/2018, Cty CP ĐTXD và TMTH Nam Thành Quang đã làm văn bản báo cáo thiệt hại gửi đến UBND tỉnh Nghệ An đề xuất cho làm hồ sơ, thủ tục để sớm tiếp nhận lại số gỗ kể trên.
Phản hồi lại, ngày 9/10/2018 tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4532/QĐ-UBND thành lập Đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra rừng khu vực biên giới và xử lý vấn đề của doanh nghiệp.
Trên tinh thần đó, ngày 26/10/2018, Đoàn Công tác liên ngành, bao gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm; phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh; Chi cục Hải quan Nậm Cắn; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; UBND huyện Kỳ Sơn; UBND xã Mỹ Lý; Đồn Biên phòng Mỹ Lý; BQL RPH Kỳ Sơn và ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Cty CP ĐTXD – TMTH Nam Thành Quang sau khi nắm bắt, họp bàn đã đi đến thống nhất:
Gỗ của công ty Nam Thành Quang trên sông Nậm Nơn có nguồn gốc từ Lào, do chính công ty tiến hành trục vớt và chuộc lại của người dân địa phương tại địa bàn xã Keng Đu.
Ở chiều ngược lại, số lượng gỗ trong dân chủ yếu là gỗ tạp, có kích thước làm nhà, không phát hiện gỗ đinh hương tồn đọng. Chưa kể an ninh rừng tại Keng Đu nhìn chung ổn định, không có hiện tượng khai thác rừng trái phép.
Dựa vào tang vật thu thập được, Đoàn kiểm tra đã đối chiếu ngẫu nhiên 10% khối lượng gỗ được trục vớt, kết quả cho thấy sự trùng khớp về kích cỡ với bảng kê gỗ thiệt hại do mưa lũ gây ra của Công ty khai thác gỗ Bõ Xái Khăm (đơn vị hợp tác) và Nam Thành Quang xác lập trước đó ở Lào.
Để củng cố thêm, sau khi nhận được công văn số 3720/STC của Sở Tài chính về việc đóng góp phương án xử lý, Công an tỉnh Nghệ An có ý kiến như sau:
Số gỗ trên không phải từ rừng của Việt Nam, gỗ có thể được khai thác trên địa bàn nước Lào, thời gian khai thác khoảng 3 - 4 năm. Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, báo cáo của Công ty Nam Thành Quang và kết quả kiểm tra, đối chiếu ngẫu nhiên gỗ thực tế và bảng kê cho thấy sự trùng hợp.
Nguồn gốc lô gỗ đã được chứng thực rõ ràng nhưng việc xử lý sau 2 năm vẫn chưa đến đầu đến đuôi. Ảnh: Việt Khánh. |
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Công an Nghệ An đề xuất thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về lô gỗ nêu trên để các tổ chức, cá nhân có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đến nhận lại. Kế đó là trao đổi với các địa phương liên quan của Lào triển khai phương án tương tự.
Trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào của Việt Nam và Lào đến nhận, hoặc phía Lào không nêu quan điểm xử lý thì đề xuất UBND tỉnh giao cơ quan Hải quan phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn Công ty Nam Thành Quang thực hiện đúng trình tự, thủ tục bắt buộc.
Đánh lận con đen
Thời gian sau đó không có đơn vị nào đứng ra tiếp nhận tài sản. Trong khi Doanh nghiệp Nam Thành Quang có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh gần 400m3 gỗ là tài sản của họ, đại diện các bên liên quan cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Tưởng như khi đồng điệu được tiếng nói chung thì mọi thứ sẽ sớm được xử lý ổn thỏa, nào ngờ sau gần 2 năm tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.
Ghi nhận thực tế cho thấy việc xử lý đang nảy sinh hàng loạt vấn đề, điều này phần nhiều xuất phát từ sự cố chấp của UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài chính.
Gỗ của doanh nghiệp bỗng chốc biến thành "tài sản sở hữu toàn dân", qua đó bị thẩm định để triển khai đấu giá. Ảnh: Việt Khánh. |
Bấp chấp kết quả xác minh nguồn gốc lô gỗ, ngày 11/11/2019 UBND tỉnh Nghệ An đùng đùng quyết định “xác lập quyền sở hữu toàn dân”, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ quy định hiện hành để định mức khởi điểm đấu giá.
Bám vào tinh thần chỉ đạo, Sở Tài chính đã khâu nối với Chi nhánh Cty CPTT – Thẩm định giá Miền Nam tại Nghệ An để thực hiện việc thẩm định giá, con số đưa ra là 2.072.566.000 đồng.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, tháng 12/2020 Sở Tài chính chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện Công an tỉnh Nghệ An và Chi cục Kiểm lâm. Tại đây, Hội đồng thống nhất xác định giá trị khởi điểm của lô lâm sản là 2.447.696.000 đồng.
“Thừa thắng xông lên”, Sở Tài chính tiếp tục đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt phương án xử lý trên tinh thần giao cho đơn vị này chính thức ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, qua đó sớm xử lý dứt điểm số gỗ “trời cho”(?!)
Động thái trên của tỉnh Nghệ An và Sở Tài chính (ảnh) đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khốn cùng. Ảnh: Việt Khánh. |
Dựa trên số liệu thực tế, những động thái kể trên của tỉnh Nghệ An và Sở Tài chính rõ ràng đi ngược lại với bản chất của vụ việc. Sai lầm nối tiếp sai lầm, cách thức xử lý thiếu công tâm không những khiến dư luận bất bình mà còn trực tiếp đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khốn khó.
“Sự việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng bản thân chúng tôi phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn ai hết. Công ty đã sớm hoàn thiện các bước theo hướng dẫn mong hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, tiếc thay sự việc kéo dài lê thê hết năm này sang năm khác. Tôi khẳng định số gỗ trên là của Công ty CP ĐTXD – TMTH Nam Thành Quang chứ chẳng phải của tổ chức, cá nhân nào khác”, Giám đốc Nguyễn Hữu Hạ thẳng thắn. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam