Các đại biểu dự kỳ họp |
25/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 |
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến rất tích cực; dự kiến có 25/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phát triển kinh tế có xu hướng phục hồi tích cực, trong đó có những điểm sáng đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,54%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,8%; khu vực dịch vụ ước tăng 8,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,65%.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu kỳ họp |
Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, đạt 112,07% dự toán. Các công trình trọng điểm trên địa bàn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Thu hút đầu tư là điểm sáng của tỉnh. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 46 ngàn tỷ đồng, gấp 1,38 lần mục tiêu đề ra; số lượng dự án cấp mới tăng 13%, tổng vốn đăng ký cấp mới gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm, văn hoá, thể thao và công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở; tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 5.322 căn nhà, gần đạt mục tiêu của năm 2023 là 5.500 căn. Tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm, sự kiện văn hoá, thể thao…
Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Về kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 9-10%, thu ngân sách 15.903 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 03 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 62-63 triệu đồng; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hoá 33%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,0-1,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 78%; tạo việc làm mới 47.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 70,1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 94%; có thêm 07 xã đạt chuẩn NTM, 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu;...
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cũng đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thực hiện. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng tâm, trọng điểm đã xác định như: Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, đường bộ cao tốc, đường ven biển, dự án LNG Quỳnh Lập…
|
Các đại biểu tham dự kỳ họp |
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; quán triệt quan điểm đồng hành, tạo thuận lợi, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư, triển khai thực hiện dự án và trong suốt quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch bệnh có thể xảy ra; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”...
Tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nghị quyết cơ chế chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh đề nghị UBND tỉnh báo cáo hoạt động của MTTQ tỉnh trong việc tham gia xây dựng chính quyền năm 2023, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh |
Báo cáo hoạt động của MTTQ tỉnh tham gia xây dựng chính quyền năm 2023, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Đảng đoàn HĐND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các cơ chế liên quan, tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/12/2022 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 23/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu rà soát, lập danh mục chế độ, chính sách đặc thù của các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp và có các giải pháp bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh đánh giá và nghiên cứu các giải pháp để tăng cường quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các Tổng đội thanh niên xung phong; quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo an toàn công trình cũng như nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, phục vụ đời sống sản xuất, dân sinh; xem xét, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện...
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay |
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 25 nghị quyết về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Quá trình xây dựng và ban hành các nghị quyết đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn 11 nghị quyết, gồm 06 nghị quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách, 05 nghị quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội để tiến hành giám sát.
Qua giám sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, thời kỳ để xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp; rà soát để bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, ít đối tượng thụ hưởng, kém hiệu quả, phạm vi tác động hẹp; việc đề xuất ban hành các cơ chế chính sách mới theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải; có tính khả thi cao, có khả năng kích cầu đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nghị quyết cơ chế chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả; nhất là các chính sách chưa thực hiện, thực hiện chậm và các chính sách ban hành sau năm 2023 cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn, hoặc phối hợp ban hành các hướng dẫn liên ngành để triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chính sách…
Tại kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình Kỳ họp và kết quả thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh về các nội dung UBND tỉnh trình Kỳ họp.
Trong chiều nay, thông qua đường dây điện thoại trực tuyến, Kỳ họp đã tiếp nhận 12 lượt ý kiến của cử tri phản ánh, kiến nghị qua đường dây điện thoại trực tuyến thuộc 02 lĩnh vực. Trong đó, có 7 ý kiến thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, bồi thường, giải phóng mặt bằng; 01 ý kiến thuộc lĩnh vực quản lý xây dựng. |
Tác giả: NPV
Nguồn tin: nghean.gov.vn