Kinh tế

Thủ tướng yêu cầu sớm miễn giảm thuế, phí để thúc đẩy tiêu dùng

Sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí, khuyến mãi, giảm giá để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trong đó có giảm thuế trước bạ đối với ô tô…

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ảnh: VGP

Ngày 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, việc giải ngân đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xử lý vướng mắc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Đánh giá kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; an sinh xã hội của người dân được quan tâm, bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, song Thủ tướng cho rằng có nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, khơi thông tiêu dùng

Đó là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; cạnh tranh thương mại quốc tế quyết liệt hơn; rủi ro về tài chính - tiền tệ, bất động sản… tiếp tục gia tăng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường phân tích, dự báo chính xác, phản ứng chính sách kịp thời.

Với quan điểm nhất quán ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tình hình bên trong và bên ngoài.

Trong đó lưu ý cần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ cả phía cung và cầu.

Về tiêu dùng, sớm có các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước. Sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí, khuyến mãi, giảm giá; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút vốn tư nhân, xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường mới…

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là gói 120.000 tỉ đồng.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết. Khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2%; trình phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu; nghiên cứu các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí; giảm thuế trước bạ đối với ô tô…

Các bộ ngành liên quan được giao thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư FDI.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trên cơ sở đánh giá từng dự án; triển khai các công trình trọng điểm quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, đàm phán ký kết các FTA, sản xuất lương thực, điều tiết cung cầu thị trường lao động...

Sớm giảm các loại thuế phí hỗ trợ doanh nghiệp

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có bước chuyển biến, tạo đà cho phục hồi.

Đến ngày 24-4, tín dụng tăng trưởng 2,66%. Nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền gửi 0,1 - 0,5%/năm, lãi suất cho vay bình quân 9,56% một năm, giảm 0,41% so với cuối năm 2022.

Tỉ giá được điều hành linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ các ngân hàng, bổ sung vào dự trữ ngoại hối nhà nước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua gần 4,9 tỉ USD từ các tổ chức tín dụng.

Tuy vậy, bộ này nhận định nền kinh tế vẫn phải đối diện không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường, trong khi một số bộ ngành địa phương phản ứng chính sách còn chậm, còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai.

Vì thế để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần thực hiện nhiều giải pháp như giảm thuế, phí, lệ phí. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đẩy nhanh hoàn thuế VAT và tạo lợi tối đa cho doanh nghiệp trong các thủ tục xuất, nhập khẩu.

Giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỉ giá phù hợp với tình hình và theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai chính sách, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng...

Tác giả: Ngọc An

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP