Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề tại hội nghị - Ảnh: GIA HÂN |
Ngày 21-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt chuyên đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Từ đất đai phải tạo việc làm chứ không phải ưu tiên cho bất động sản
Theo Thủ tướng, đây là chủ đề khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan tôn giáo, dân tộc, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng đã khái quát 5 nội dung chính trong phần trình bày, đó là: các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; một số quan điểm, mục tiêu; một số nhiệm vụ giải pháp và tổ chức thực hiện.
Nhắc tới 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, trong đó có thể chế về đất đai; xây dựng đột phá về nguồn nhân lực; đột phá về hạ tầng chiến lược… Thủ tướng cho rằng những vấn đề này đều có liên quan tới đất đai.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ đất đai là vấn đề "rất phức tạp nhưng không làm không được", cần phải nghiên cứu một cách rất tổng thể.
"Nhiều người giàu lên vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết cũng có, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ cũng vì đất, sai phạm, tù tội cũng liên quan tới đất. Đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên cũng không được cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông nhắc lại việc phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
"Điều gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình trên cơ sở đó chúng ta đưa vào chủ trương, trên cơ sở đó luật hóa.
Cái gì chưa chín, chưa rõ chúng ta đặt ra đưa vào thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng nêu thực tế nhiều địa phương chỗ nào đẹp đưa vào bất động sản. Ông cho rằng đáng lý chỗ nào có sự phát triển tốt nên đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và khi có người đến làm, ở, mua nhà mới phát triển bất động sản.
Nhưng ngay lập tức chỗ nào đẹp nhất phát triển bất động sản sẽ không có công ăn việc làm dẫn tới doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn.
“Trước hết, từ đất đai phải tạo công ăn việc làm chứ không phải ưu tiên đất đai cho bất động sản”, Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia hội nghị - Ảnh: GIA HÂN |
Điểm đột phá bỏ khung giá đất
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, Thủ tướng nêu 8 nội dung trong nghị quyết. Trong đó, nghị quyết nêu việc hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Đây là nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Điểm mới của nghị quyết lần này là cho cơ chế góp quyền sử dụng đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn...
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, việc xác định giá đất là vấn đề đặc biệt được quan tâm. Thực tiễn thời gian qua, việc xác định giá đất còn nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm...
Do đó điểm mới đột phá của nghị quyết lần này là bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.
Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
Thủ tướng nêu việc vừa qua đi thực tế thấy các dự án có sai liên quan các vụ án, thanh tra, kiểm tra còn tồn đọng rất nhiều nhưng không thể hợp thức hóa cái sai này mà phải tìm cơ chế, chính sách để xử lý thế nào phù hợp với tình hình thực tế. Ông nói đây là vấn đề đang đặt ra và Chính phủ đã giao cho Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách. "Xử lý tồn đọng thế nào? Tinh thần không hợp thức hóa cái sai nhưng phải tìm cơ chế, chính sách hóa giải nó làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời", Thủ tướng chỉ rõ. |
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ