Theo kết luận này, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ, Nhà nước sẽ không bỏ tiền vào "cứu", không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, thay vào đó các tập đoàn, tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc và chịu trách nhiệm về hiệu quả.
"Xử lý số dự án, doanh nghiệp thua lỗ phải ít gây thất thoát tài sản Nhà nước và theo nguyên tắc thị trường. Không để đổ vỡ ảnh hưởng tới hiệu quả doanh nghiệp khác ", văn bản nêu chỉ đạo của Thủ tướng nêu.
Bộ Công Thương được giao là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo từng đơn vị để có phương án xử lý sớm nhất, đồng bộ, hiệu quả tránh thất thoát tài sản nhà nước. Chính phủ cũng đã lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Hiện đã có tổng cộng 12 dự án, công trình có vốn đầu tư nghìn tỷ thua lỗ được cơ quan quản lý "điểm danh", gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy Đạm Hà Bắc; Đạm DAP 1 Lào Cai; DAP 2 Hải Phòng; Ethanol Bình Phước; Ethanol Phú Thọ; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; dự án Liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.
Trả lời báo chí tại cuộc gặp mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tình trạng tại các dự án trên diễn ra trong thời gian dài, thậm chí từ trước khi tập đoàn, tổng công ty được giao về Bộ Công Thương làm bộ chủ quản. Năm 2018 cơ quan này sẽ giải quyết dứt điểm số dự án thua lỗ trên.
"Các quy chế pháp lý, khuôn khổ pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp lúc đó còn sơ sài và bộc lộ nhiều thiếu sót", ông đánh giá. Ngoài chuyện xử lý các dự án thua lỗ dựa trên nguyên tắc "không làm thất thoát vốn Nhà nước", người đứng đầu Bộ Công Thương còn khẳng định sẽ "làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan".
Tác giả bài viết: Anh Minh
Nguồn tin: