Giáo dục

Thu quỹ đầu năm, làm gì để không lạm thu?

Tại TP.HCM tình trạng lạm thu, lạm chi của các lớp trong trường phổ thông vào đầu năm học là câu chuyện không mới nhưng năm nào cũng xuất hiện. Nhiều phụ huynh còn cho rằng, học phí không sợ mà phụ phí mới đáng lo.

Những khoản thu- chi đầu năm học thường dưới danh nghĩa là đóng góp vào quỹ cha mẹ học sinh, phục vụ cho con cái tốt hơn. Vậy làm thế nào để việc thu quỹ không trở thành lạm thu?

Là phụ huynh của 3 con đang tuổi đi học, anh Minh Tuấn (Quận 7, TP.HCM) cho biết, hội phụ huynh nếu làm đúng cách thì sẽ tìm được phương án hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải họp xong đưa ra một mức tiền chia đầu người đóng hay là nơi để phụ huynh thể hiện được sự chịu chi.

Trường Tiểu học Hồng Hà, nơi xảy ra vụ việc thu quỹ lớp 10 triệu đồng/phụ huynh gây tranh cãi vừa qua

Bản thân anh Tuấn có con lớn đã lên cấp 2 và chưa năm nào anh thấy hội phụ huynh phải tranh cãi việc đóng góp quỹ hội. Tất cả các khoản thu- chi đều được các phụ huynh làm rõ ngay từ đầu và không có chuyện thu cùng lúc một số tiền lớn. Mức thu hoàn toàn vừa sức và phụ huynh cũng sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

Theo ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức TP.HCM, hội phụ huynh cũng rất cần thiết trong nhà trường, là nơi kết nối giữa nhà trường và học sinh. Nhưng hội phụ huynh chỉ làm một số việc như theo dõi tình hình học tập của các em, kịp thời có những đề xuất giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong lớp,…Và quỹ hội phụ huynh không được lạm dụng việc xã hội hoá mà đưa ra nhiều mục thu và mục chi vô lý.

Ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức TP.HCM

Ông Mậu cũng cho rằng, việc vận động không được cào bằng. Hiện nay, không phải tất cả phụ huynh đều có hoàn cảnh giống nhau và đồng ý với các mức chi ngoài học phí. Do đó, việc vận động phải công khai, phải có chủ trương cụ thể của nhà trường, hiệu trưởng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu chi không hợp lý là việc không công khai, không minh bạch ngay từ đầu và cào bằng mức thu.

Bên cạnh đó, việc thu chi dù xuất phát từ phụ huynh, nhưng hiệu trưởng phải là người bao quát, nắm rõ để có những chủ trương thu chi đúng đắn, vừa phải, không thể huy động cùng một lúc nhiều hạng mục và việc vận động luôn phải dựa trên tinh thần tự nguyện.

Ông Mậu nói: "Tất cả các chủ trương của Hội phụ huynh học sinh lớp hay là hội phụ huynh trường đều phải thông qua Hiệu trưởng. Hiệu trưởng là người nắm và cân nhắc có nên làm hay không nên làm, nếu hiệu trưởng buông xuôi thì mỗi lớp, mỗi trường một kiểu. Cho nên tôi nghĩ vai trò của Hiệu trưởng rất quan trọng".

Tạo được văn hoá tự nguyện

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM, hiện nay việc xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa mọi chi phí của giáo dục phải đưa cho người dân. Việc đóng tiền trong nhà trường, kể cả quỹ hội phụ huynh cần được quy định chặt chẽ và có kiểm soát trong các hoạt động thu chi của nhà trường. Hiệu trưởng cũng phải là người đóng vai trò quan trọng, tiếp nhận và phê duyệt các kế hoạch chi tiêu này.

Ngoài ra, việc thu chi ngoài những khoản mà nhà trường quy định cũng cần có sự quản lý của các cơ quan, ví dụ như phòng giáo dục và đào tạo quản lý từ mầm non đến THCS, còn Sở thì quản lý cấp THPT. Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khoản đóng góp, thu chi có hợp lý và kịp thời xử lý.

Trên thực tế, có những hội phụ huynh “lợi dụng” việc cha mẹ mong muốn con cái được học hành ở môi trường tốt nhất mà thu một cách không phù hợp, khiến phụ huynh có cảm giác nếu mình không đóng góp thì con cái mình bị phân biệt đối xử. Do đó, việc thu quỹ này không nên cào bằng với suy nghĩ tất cả phụ huynh đều có khả năng đóng góp như nhau.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, việc đóng góp các khoản ngoài học phí và không phải là khoản bắt buộc thì phải hoàn toàn tự nguyện. Một hội phụ huynh tốt là những người cùng hỗ trợ lẫn nhau: “Với một hội phụ huynh học sinh tốt, những gia đình khá giả có thể đóng góp nhiều hơn so với những gia đình khác. Những gia đình không có khả năng cũng không nên bị ép khi đóng tiền cho hoạt động của học sinh, không được quyền như thế".

Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng, cần loại bỏ cả khoản chi phí như hỗ trợ cho các thầy cô giáo. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, khuyến khích văn hoá đóng góp cho các quỹ hoạt động của nhà trường. Như các nước trên thế giới hiện nay, phụ huynh có điều kiện tốt sẵn sàng đóng góp và không vụ lợi.

Tóm lại, việc thu và chi quỹ phụ huynh trước hết cần được công khai, minh bạch và hợp lý, quan trọng nhất phải đề cao việc tự nguyện. Ngoài ra, cũng cần có một hành lang pháp lý rõ ràng để việc xã hội hoá trong trường học không còn “núp bóng” dưới danh nghĩa hội phụ huynh.

Tác giả: Vũ Hường

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP