Kinh tế

Thu phí khí thải: Phí chồng phí có thể dẫn tới lạm phát?

Chuyên gia kinh tế cho rằng, thu phí khí thải sẽ làm cho giá hàng hoá tăng cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị giảm đi vì đội quá nhiều loại phí, đời sống người dân bị ảnh hưởng từ giá của hàng hoá.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi tới 6 bộ gồm: Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đang gây ra nhiều tranh cãi vì dư luận cho rằng, việc thu phí sẽ dẫn tới việc “phí chồng phí”.

Cụ thể, các đề xuất xây dựng đề án sẽ được gửi về bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: “Thu phí xăng dầu là cần thiết, nhưng thu như nào mới là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ, thu phí bây giờ cần phải được cào bằng với nhau. Từ 1/1/2019 sẽ bắt đầu áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần, cùng với đó mà thu thêm phí khí thải nữa thì sẽ gây ra những tác động nhất định cho toàn xã hội”.

“Tác động ở đây là gì? Chính là giá của hàng hoá sẽ tăng cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị giảm đi vì đội quá nhiều loại phí, đời sống người dân bị ảnh hưởng từ giá của hàng hoá. Nói chính xác hơn là gây ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động trong xã hội. Đó là những người lao động cơ bản, tiểu thương, kinh doanh, người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, công nhân…", ông Hiển phân tích.

Nhận định về việc thu phí khí thải, ông Hiển cho rằng: “Khi tăng thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu tăng kịch trần và thu thêm phí khí thải thì người lao động sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khó tránh, bởi xăng là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành nghề. Giá xăng tăng, chi phí sản xuất của nhóm lao động này bị ảnh hưởng trực tiếp. Thậm chí có thể dẫn tới lạm phát”.

Trong khi đó, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) cho rằng: “Hiện nay, chúng ta có rất nhiều loại phí đối với môi trường rồi. Trong đó, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu thu thêm phí khí thải nữa thì sẽ “phí chồng phí””.

Theo TS. Long, từ ngày 1/1/2019, sẽ bắt đầu áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần thì người dân chịu sao được. Trong khi thu nhập của người dân không tăng cao nhưng lại phải gánh nhiều loại thuế, phí, thì giá hàng hoá sẽ tăng cao....

Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông), trong khi thu nhập của người dân vẫn chưa cao, việc sinh hoạt hàng ngày vẫn còn rất nhiều khó khăn, nếu thu thêm phí khí thải sẽ khiến hàng hoá tăng cao làm cho cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn. Ngoài ra, xăng dầu hiện đã được áp rất nhiều loại phí rồi bây thu thêm phí khí thải thì khác nào “phí chồng phí.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP