Trong tỉnh

Thu hút đầu tư nước ngoài tạo nhiều việc làm cho lao động tại Nghệ An

Xác định rõ những lợi thế so sánh và xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, nên một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh Nghệ An tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Giải quyết việc làm

Haivina Kim Liên là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên trong ngành dệt may đầu tư vào Nghệ An. Công ty Haivina Kim Liên chính thức thành lập nhà máy và đi vào hoạt động tại Nghệ An từ năm 2011, chuyên may găng tay và quần áo thể thao xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Châu Âu. Sau gần 7 năm hoạt động, hiện Công ty đang có 2.800 công nhân làm việc, tỷ lệ nữ chiếm 95%, mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Haivina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Hoạt động trong lĩnh vực điện tử, vận hành từ năm 2013, Nhà máy Điện tử BSE Việt Nam do Công ty TNHH Điện tử BSE đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cấm, Nghệ An với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện thiết bị điện tử viễn thông, tổng mức đầu tư 30 triệu USD, quy mô 250 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy này đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho trên 5.200 lao động với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, nhà máy nộp ngân sách nhà nước bình quân trên 7 triệu USD.

Trong lĩnh vực chế biến, AustFeed Nghệ An do Công ty TNHH Mavin AustFeed của Australia đầu tư được kỳ vọng là điểm nhấn mới trong sản xuất chế biến thức ăn gia súc gắn với phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 36.029m tại khu B Khu công nghiệp Nam Cấm với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD), công suất 300.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, sử dụng khoảng 300 lao động.

Thời gian gần đây, tỉnh Nghệ An đã tạo được những đột phá trong thu hút vốn FDI. Trong 10 năm (từ 2009-2018), Nghệ An đã thu hút được 53 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 163.000 tỷ đồng. Các dự án FDI đầu tư trên địa bàn chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến, cơ khí, chế tạo… Các dự án FDI ở Nghệ An đã tạo việc làm cho khoảng trên 37.000 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao mức sống cho người lao động địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Nghệ An đánh giá: “Tuy số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Nghệ An chưa nhiều và thời gian đầu tư chưa lâu, nhưng đã đóng góp quan trọng trong thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, giải quyết việc làm, xuất khẩu hàng hóa... Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các doanh nghiệp FDI đạt trên 300 triệu USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh”.

Lãnh đạo tỉnh thăm quan khu điều hành Công ty TNHH Mavin AustFeed Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Thêm lực hút vốn mới

Nằm trong định hướng chung của cả nước, phương châm thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Nghệ An là đa phương hóa, đa dạng các quan hệ hợp tác. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong đó phải kể đến Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An chính thức đi vào hoạt động năm 2017, hiện đã có 12 doanh nghiệp hoạt động, sản xuất trong khu công nghiệp; đây là dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp đô thị có yếu tố vốn nước ngoài đầu tư đầu tiên vào tỉnh Nghệ An, được kỳ vọng tạo ra đột phá lớn cho phát triển công nghiệp của tỉnh.

Ông Edwin Chee -Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết: “Năm 2018, trong chiến lược của mình, Tập đoàn sẽ tập trung cho VSIP Nghệ An để đến năm 2019 - 2020 lấp đầy diện tích đất dành cho khu công nghiệp. Về diện tích đất dành cho đô thị dịch vụ được VSIP triển khai làm mô hình mẫu hiện nay của Tập đoàn VSIP tại Việt Nam”.

Tập đoàn Hemaraj Thái Lan sẽ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KXN - đô thị tại KKT Đông Nam. Ảnh: Internet

Những diễn biến mới nhất cho thấy dòng vốn FDI vào Nghệ An vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất, ngay sau Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Mậu Tuất 2018, sẽ diễn ra lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Hemaraj tại Khu kinh tế Đông Nam. Dự án Khu công nghiệp Hemaraj tại Nghệ An có tổng diện tích khoảng 3.200 ha, tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng) được chia thành 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có diện tích gần 500 ha; đây sẽ là “cú hích” đầy kỳ vọng về FDI trong năm 2018 ở Nghệ An.

Việc nhà đầu tư này chuẩn bị thêm mặt bằng để đón các nhà đầu tư thứ cấp cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào triển vọng thu hút thêm vốn bên ngoài đầu tư vào Nghệ An trong giai đoạn tới.

Tác giả: Thanh Lê

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP