Giáo dục

Thiếu trầm trọng giáo viên tiểu học

Ở bậc tiểu học, năm học 2020-2021 bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Các nhà quản lý giáo dục cho biết, việc thiếu giáo viên trầm trọng khiến nhiều trường loay hoay trong sắp xếp dạy học.

Thiếu giáo viên khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong dạy học

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội), bà Phan Thị Xuân Thu, cho biết, trường hiện có 30 lớp, nhưng mới được giao 1 biên chế giáo viên Tin học, 1 giáo viên Ngoại ngữ. Riêng lớp 1, lớp 2, bộ môn Ngoại ngữ, nhà trường dạy học liên kết theo nhu cầu. Từ lớp 3, Ngoại ngữ trở thành bộ môn bắt buộc, nhưng chỉ có 1 giáo viên, nên năm ngoái cô giáo này phải dạy học 32 tiết/tuần, trong khi quy định 23 tiết/tuần.

Quá vất vả, năm nay cô giáo từ chối dạy tăng tiết, nhà trường phải tìm nguồn giáo viên hợp đồng, nhưng mỗi tiết dạy có mức phí chỉ 50.000 đồng/tiết, nên giáo viên không mấy mặn mà. “Trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông(GDPT) mới, trường đã nhiều lần kiến nghị được giao thêm biên chế, nhưng đến nay chưa được giải quyết”, bà Thu nói.

Đầu năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung hơn 94.000 giáo viên biên chế giai đoạn 2021-2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế, gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Ông Vũ Minh Thiện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nói rằng, để thực hiện tốt chương trình GDPT mới từ lớp 1, lớp 2, địa phương phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên, nhưng hiện thiếu giáo viên trầm trọng.

Toàn huyện, bậc tiểu học hiện thiếu 70 giáo viên văn hóa và một số giáo viên Tin học, Thể dục. Điều này gây khó khăn lớn trong sắp xếp giáo viên đứng lớp dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương có cơ chế tuyển bổ sung, trong đó huyện được giao 69 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 17 giáo viên. Nhiều năm không tuyển dụng nên hiện không có nguồn tuyển.

“Đó cũng là tình cảnh của nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh. Đáng lẽ, trước khi thực hiện chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT nên có sự liên kết với địa phương để dự báo về nguồn tuyển”, ông Thiện nói.

Địa phương tự co kéo

Thiếu giáo viên trầm trọng là vấn đề chung của nhiều địa phương hiện nay. Nghệ An hiện thiếu 7.843 giáo viên; Sơn La thiếu 2.800 giáo viên; Hải Phòng thiếu 1.572 giáo viên; Quảng Bình thiếu 1.000 giáo viên; Kon Tum thiếu 1.600 giáo viên; Gia Lai thiếu hơn 3.700 giáo viên…

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết, tỉnh đang thiếu giáo viên tiểu học, mầm non một cách trầm trọng. Trong khi đó, ở bậc THCS-THPT lại xảy ra tình trạng thừa giáo viên ở bộ môn này, thiếu ở bộ môn khác. Nghệ An đang rà soát lại việc thừa thiếu giáo viên để có kế hoạch tuyển trong những năm tới.

Nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn tại chỗ. Ví dụ, sáp nhập các điểm trường, trường học gần nhau. Tuy nhiên, ở vùng núi, học sinh đi học khá xa, nên khi sáp nhập điểm trường, phải xây dựng trường bán trú thì các em mới đi học.

Ở cấp tiểu học, thực hiện chương trình GDPT mới không đủ giáo viên khiến các trường rất khó khăn, nhưng quyết tâm dạy học 2 buổi/ngày nên phải nhờ đến giáo viên hợp đồng. Về chuyên môn, giáo viên hợp đồng cũng được đào tạo từ trường sư phạm, nhưng việc sắp xếp, bố trí kế hoạch dạy học khó khăn hơn so với giáo viên biên chế.

Với một số giáo viên thừa ở bậc THCS, Nghệ An đã kết hợp Trường ĐH Sư phạm đào tạo lại chuyên môn rồi đưa xuống dạy tiểu học, mẫu giáo, nhưng giáo viên rất vất vả.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến, nói rằng, trước mắt, địa phương yêu cầu ưu tiên dồn giáo viên cho các khối lớp 1, lớp 2 năm nay và lớp 3 trong năm tới để thực hiện tốt chương trình GDPT mới. Khi bậc này đủ giáo viên thì các khối lớp khác lại thiếu, nhưng đành co kéo vì hiện khó khăn về chỉ tiêu biên chế, ông nói.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP