Xã hội

Thị xã Thái Hòa - Nghệ An: Nông trường Đông Hiếu - Đất “khoán” hay đất “bán”?

Những năm qua, thực chất tình hình kinh tế của nhiều nông trường kém hiệu quả và nhiều diện tích đất đã được giao khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc quản lý Nhà nước về đất đai.

Tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, đất nông nghiệp tại Nông trường Đông Hiếu có nhiều lô đất khoán đang được xây dựng nhà ở kiên cố, dựng quán kinh doanh trái với các quy định về sử dụng đất.

Hầu hết các lâm trường, nông trường quốc doanh thành lập sau 1954 và 1975. Trong thời kỳ bao cấp, các nông, lâm trường đã phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ các nông trường, lâm trường nước ta mới hình thành ngành cao su, ngành cà phê. Các nông, lâm trường cũng đã trở thành nòng cốt để chuyển giao khoa học công nghệ, là nòng cốt bảo vệ vùng rừng, thu mua chế biến nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

xay nha trai phep tren dat khoan medium
Xây nhà trái phép trên đất khoán

Nông trường Đông Hiếu trực thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, nông trường đang quản tổng diện tích đất tính đến nay năm 2017 là 558,79 ha. Trong đó diện tích đất nằm ngoài quyết định quy hoạch 4358 là 191,71 ha và diện tích nằm trong quy hoạch còn 367,08 ha (Gồm có diện tích đã được kiểm đếm 129,53 ha và diện tích chưa được kiểm đếm 240,55 ha). Tại đơn vị, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Nhiều lô đất khoán cho người lao động nhưng buông lỏng nên không quản lý được hợp đồng giao khoán, có nơi khoán trắng vì thế hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng với hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty không cao.

Tại Nông trường Đông Hiếu phần lớn công nhân và hộ nhận khoán không bán sản phẩm cho Nông trường với lý do được biết là Nông trường không mua theo giá thị trường, mặc dù trên “Hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất...” thể hiện tại Điều 3, điểm c: giá thu mua sản phẩm được điều chỉnh hợp lý tương ứng theo từng thời điểm giá thị trường... ngoài ra các hộ nhận khoán đất còn trồng cây sai quy định, quy hoạch; tự ý xây lán, trại, bể trên lô đất khoán... Khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm cây trồng trên diện tích chiếm từ 3/4 tổng diện tích đất công ty giao, cho thuê.

2nhung ngoi nha duoc moc len tren dat lam nghiep medium
Những ngôi nhà được mọc lên trên đất lâm nghiệp

Những người làm việc tại đây có mức lương 800 - 900 nghìn đồng/tháng thì được hiểu sẽ đời sống của người làm việc... Trong khi đó xe ô tô Vios của giám đốc được mua đi mỗi năm khấu hao và chi phí gần cả trăm triệu mà nguồn thu chỉ vẻn vẹn có 488 triệu/ năm. Với công tác quản lý có thực sự là lỏng lẻo hay “trá hình” để tình trạng vị trí đất khoán ở giáp mặt đường mòn Hồ Chí Minh đang được mua bán và xây nhà ở, xây cửa hàng kinh doanh tùy tiện, không theo đúng mục đích sử dụng đất của Nông trường mà không hề có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Vấn đề này hiện đang gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương xã Đông Hiếu.

Dư luận đã và đang đặt ra câu hỏi như vậy những lô đất nông trường sang nhượng nhưng mục đích để xây nhà ở và kinh doanh không lẽ nông trường không hề biết? Giao khoán đất nông trường để phát triển kinh tế đúng theo mục đích sử dụng đất nhưng các hộ nhận đất khoán lại mua bán và xây dựng nhà ở trên đất “khoán” thì vai trò quản lý của Nông trường Đông Hiếu ra sao? Khi họ biến đất nông trường thành đất ở, tụ điểm kinh doanh thì công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự ở địa phương sẽ ra sao???

3su quyet liet manh me cua chinh quyen ubnd xa dong hieu da thuc hien to chuc cuong che voi vi pham su dung sai muc dich medium
Sự quyết liệt mạnh mẽ của chính quyền UBND xã Đông Hiếu đã thực hiện tổ chức cưỡng chế với vi phạm sử dụng sai mục đích

Tại buổi làm việc với phóng viên về nội dung quản lý đất khoán của đơn vị - ông Hứa Văn Anh - Giám đốc Nông trường Đông Hiếu cho biết: “Nông trường luôn có đội đi kiểm tra, mỗi đội sản suất có Đội trưởng, nhưng các hộ vi phạm là họ xây cả đêm, tập trung là trên tuyến đường mòn, hộ nào không chấp hành sẽ thu hồi phần khoán...”. Khi được hỏi nông trường đã xử lý được trường hợp nào chưa? Và vi phạm hợp đồng giao khoán có bị thu hồi lại đất không? “Có những hộ xây là được sự nhất trí của bên giao khoán với mục đích làm kho cất công cụ 25m2... hiện nay đất chúng tôi chưa thu hồi được gia đình nào cả” - Ông giám đốc trả lời.

Làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lộc - Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu cho xem rất nhiều công văn gửi đến Nông trường Đông Hiếu qua nhiều năm và chính sự quản lý đất nông trường không kiểm soát nên nhiều hiện tượng đang xây trái phép trên đất nông nghiệp trước đó, ngày 15/11/2016 UBND thị xã Thái Hòa đã có Công văn số 1078/UBND-QLĐT về việc xử lý tình trạng xây trái phép trên địa bàn xã Đông Hiếu, với sự quyết liệt mạnh mẽ của chính quyền UBND xã Đông Hiếu đã thực hiện tổ chức cưỡng chế 04 hộ vừa mới xây dựng công trình trên đất nông nghiệp với vi phạm sử dụng sai mục đích, không xin phép các cấp thẩm quyền.

Hiện trạng thực tế Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An chưa quản lý, sử dụng đất sản xuất phù hợp với năng lực hiện có. Tình trạng đất sản xuất để hoang hoá và sử dụng kém hiệu quả không ít. Việc tổ chức quản lý, sử dụng đất chưa chặt chẽ, lãng phí, hiệu quả thấp.Việc giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã có nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật, như giao khoán diện tích đất lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; có nơi ký hợp đồng giao khoán với người ngoài thay vì giao khoán với người dân tại chỗ để đảm bảo cuộc sống. Một số đất đã khoán cho các hộ gia đình nhưng thực chất bên giao khoán chỉ khoán trắng, thu địa tô, gây nên những tiêu cực về lợi dụng chính sách khoán đất lâm nghiệp. Đặc biệt, tình trạng hộ nhận khoán đất tại Nông trường Đông Hiếu tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán không thông qua công ty, sang tên đất cho các đối tượng khác không phải là cán bộ, công nhân của công ty diễn ra ở một số nơi; tự ý xây dựng nhà kiên cố trên đất nhận khoán khá phổ biến đối với vùng đất đang quy hoạch đô thị.

Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai nói chung và quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp cần có thái độ kiên quyết trong việc thu hồi những diện tích đất sử dụng thiếu hiệu quả để giao lại cho người dân quản lý, trồng rừng, sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các bộ trong việc quản lý, giao đất nông trường nhưng sử dụng thiếu hiệu quả, thậm chí phát sinh tiêu cực; cần tiếp tục công tác thanh tra, xử lý triệt để các vi phạm về sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường.

Tác giả: Thái Quảng - Vũ Bình
Nguồn tin: Báo Kinh doanh và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP