Điều này nhằm giúp đề thi có thể đánh giá hết các năng lực của người học, đảm bảo tính phân loại để các trường đại học (ĐH) thuận lợi hơn trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
|
Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ chỉ còn 3 buổi thi thay vì 4 buổi thi như các năm trước. Số môn thi tốt nghiệp THPT cũng giảm. Mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn gồm: Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút; các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Dự thảo cũng cho phép các hội đồng thi sắp xếp thí sinh theo hướng trộn thí sinh là học sinh của các cơ sở giáo dục gần nhau để thuận lợi cho thí sinh. Đồng thời trộn thí sinh là học sinh chương trình giáo dục thường xuyên, thí sinh tốt nghiệp trung cấp, thí sinh tự do (đã học lớp 12 năm trước) với thí sinh là học sinh lớp 12 học chương trình THPT, trong đó số học sinh lớp 12 THPT phải chiếm ít nhất 50%...
Góp ý về Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình GDPT 2018 gồm 4 môn, trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn sẽ có một số bất cập, hạn chế như số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tất nhiên, việc thi tốt nghiệp THPT với 4 môn năm 2025 có điểm đặc biệt mới với 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây.
Hơn nữa, việc thiết kế phương án thi trong đó tất cả các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học và đặc biệt, việc thiết kế 40% câu hỏi lựa chọn đúng, sai ở các môn thi trắc nghiệm càng làm tăng khả năng "đoán mò" của thí sinh. Điều này có thể dẫn đến giá trị và tính phân loại của đề thi các môn là không tốt.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cũng khẳng định, sự chênh lệch giữa chương trình Giáo dục thường xuyên và Chương trình GDPT 2018 với sự khác nhau ở mỗi môn học trong chương trình từ 20-30% (chủ yếu là cắt bớt một số yêu cầu cần đạt ở mức cao của chương trình GDPT 2018 thành chương trình GDPT thường xuyên cấp THPT). Điều này sẽ gây mất công bằng cho 2 nhóm thí sinh theo đối tượng dự thi do trong dự thảo đã quy định phải thi cùng 1 loại đề thi như nhau, dẫn đến chất lượng đề thi cần phải lựa chọn theo hướng giảm mức độ năng lực để đáp ứng đồng thời cả 2 đối tượng trên.
Ngoài ra, theo đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD&ĐT công bố, có sự bất cập khá lớn với nội dung phần chuyên đề lựa chọn của các môn học được ra câu hỏi thi chung cho cả nhóm học sinh được học và không được học chuyên đề tạo sự mất công bằng giữa 2 nhóm học sinh này...
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng "đoán mò" trong dạng thức câu hỏi đúng, sai (chiếm tới 40% số điểm của mỗi môn thi) để đánh giá hết các năng lực của người học, đảm bảo độ giá trị và tính phân loại của đề thi để các trường ĐH thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Về định hướng Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị khi có điều kiện tổ chức kỳ thi trên máy tính, nên qui định kỳ thi tốt nghiệp THPT là thi đánh giá năng lực; đề thi rút từ ngân hàng đề thi do các Trung tâm Khảo thí độc lập được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cung cấp. Các địa phương chủ động tổ chức triển khai thi nhiều lần trong năm theo khung thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân