Giáo dục

Thi THPT Quốc gia môn Toán hoàn toàn bằng trắc nghiệm: "Sẽ giết chết cả một thế hệ"

Mới đây, GS. Phùng Hồ Hải công khai bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị xem xét lại thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán, các chuyên gia cũng lên tiếng trước những hệ quả của hình thức thi này.


Cụ thể, GS. Phùng Hồ Hải thẳng thắn đặt vấn đề, để phát triển lâu dài và bền vững thì chấn hưng giáo dục là yếu tố tiên quyết, nhưng mô hình thi trắc nghiệm một trăm phần trăm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với môn Toán và một số môn khác là sai lầm, hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục.

Thi trắc nghiệm để kiểm tra kỹ năng, không phải tư duy

Về vấn đề này, GS. Ngô Việt Trung, nguyên viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cũng bày tỏ: “Trước tiên, phải xem xét kinh nghiệm thi tốt nghiệp phổ thông trên thế giới. Mẫu hình mà chúng ta thường viện dẫn cần noi theo là thi trắc nghiệm của Mỹ. Tuy nhiên, các trường đại học tại Mỹ không hoàn toàn căn cứ vào kết quả các bài thi trắc nghiệm để tuyển sinh, mà kết quả đó chỉ là một phần đánh giá năng lực.

Các trường đại học thường nhìn vào hồ sơ, và bài luận của thí sinh, thậm chí có một số trường còn phỏng vấn thí sinh. Lý do họ không có kỳ thi viết chung vì họ không có chương trình dạy chung cho các trường trung học, mỗi trường gần như hoàn toàn quyết định dạy gì và dạy như thế nào. Vì thế, mới có chuyện một tổ chức tư nhân đứng ra tổ chức thi trắc nghiệm SAT để các trường đại học có thể dùng nó kiểm tra sơ bộ trình độ học sinh. Ngay ở Mỹ cũng có nhiều tranh cãi về thi SAT.

Thi Toán hoàn toàn bằng trắc nghiệm được các chuyên gia đánh giá là không phù hợp!

Thi trắc nghiệm thông thường được dùng để kiểm tra kỹ năng, nhất là những kỹ năng cần sự phản ứng nhanh như thi ngoại ngữ, thi giấy phép lái xe,... Kiểm tra kỹ năng chứ không phải kiểm tra khả năng tư duy. Ví dụ như phần trắc nghiệm trong thi giấy phép lái xe đòi hỏi thí sinh phải làm rất nhanh, nếu lúc nào cũng suy luận đúng sai thì sẽ không đủ thời gian trả lời hết các câu hỏi.

Điều này rất cần thiết khi tham gia giao thông, phải xử lý các tình huống theo đúng luật thật nhanh, không cần phải nghĩ. Tóm lại, không thể dùng thi trắc nghiệm để kiểm tra khả năng tư duy của học sinh. Chính vì lý do này mà châu Âu không dùng thi trắc nghiệm. Hệ thống giáo dục của họ là công lập rất giống chúng ta, học sinh học theo một chương trình chung nên họ tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông bằng thi viết để đánh giá được kiến thức và khả năng tư duy của học sinh”.

Sẽ “giết chết” tư duy của thế hệ trẻ

Ông chỉ ra một số hệ quả: “Học sinh Việt Nam có thói quen “thi kiểu gì học kiểu nấy”. Các thầy đi dạy thêm về Toán đều phản ảnh là học sinh bây giờ chỉ đòi học cách đoán lời giải và cách bấm máy tính kiểm tra. Hệ quả đau đớn nhất sau khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm mấy năm qua là sinh viên mất khả năng suy luận. Rất nhiều bài tập thông thường trước đây, sinh viên bình thường đều giải được thì nay sinh viên đứng đầu lớp cũng bó tay.

Sinh viên bây giờ rất giỏi đoán, nhiều khi họ trả lời đúng nhưng khi hỏi là tại sao thì câu trả lời cửa miệng thường là “hình như nó phải như thế”. Đây là tình trạng không chỉ xảy ra trong ngành Toán mà còn trong rất nhiều ngành khác. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều giảng viên đại học và thường được nghe than phiền là sinh viên đại học bây giờ “đánh mất dây thần kinh” suy luận.

Nếu sinh viên mất khả năng này thì làm thế nào họ có thể tiếp thu được kiến thức đại học. Đại học cuối cùng sẽ trở thành nơi dạy thợ chứ không phải là nơi đào tạo ra các kỹ sư”.

Nguyên Viện trưởng viện Toán học Việt Nam khẳng định: “Đang có một quan niệm rất sai lầm là học Toán chỉ cần học những kiến thức để ứng dụng. Nếu như vậy chỉ cần học cộng, trừ, nhân, chia ở bậc Tiểu học là đủ. Nhưng người ta quên mất một điều Toán học là bộ môn dạy cho học sinh biết suy luận.

Cũng giống như học sinh học môn Văn không phải chỉ học những áng văn hay mà chính là học làm người. Chính vì lẽ đó mà thi tốt nghiệp phổ thông ở đâu cũng có thi môn Toán. Thế mà chúng ta lại đi kiểm tra môn Toán thông qua việc đoán lời giải chứ không kiểm tra khả năng suy luận”.

“Đất nước này có phát triển hơn các nước khác hay không nằm ở chỗ có một lực lượng lao động “biết nghĩ” hay không. Chúng ta không thể tiến xa được nếu chúng ta chỉ gia công hay lắp ráp sản phẩm cho người khác mà không làm ra những sản phẩm tốt hơn họ. Muốn làm được điều này chúng ta cần có những con người ở mọi tầng lớp có khả năng tạo ra những cái mới.

GS. Ngô Việt Trung cảnh báo nguy cơ "giết chết" cả một thế hệ nếu tiếp tục thi Toán hoàn toàn bằng trắc nghiệm.

Học sinh chúng ta bây giờ sử dụng máy tính cầm tay hay điện thoại thông minh rất nhanh, nhưng đó là sản phẩm đã được làm sẵn, tức là chỉ học thuộc và làm theo. Nhưng một đất nước mà chỉ toàn những con người như vậy thì không bao giờ phát triển được. Khắp nơi nói rằng tương lai là công nghệ 4.0, nhưng ít ai nói về việc phải đào tạo những con người như thế nào để có thể tạo ra cuộc cách mạng 4.0 ở nước ta. Tôi không tin thi trắc nghiệm sẽ góp phần đào tạo những con người như vậy”, ông phân tích.

Theo ông, thi THPT Quốc gia môn Toán hoàn toàn bằng trắc nghiệm là một quyết định sai lầm: “Hình thức thi trắc nghiệm chỉ có một cái lợi duy nhất đó là dễ dàng tổ chức thi; nhưng có nên vì thế mà hy sinh tương lai của đất nước hay không?”.

Nên dung hòa trắc nghiệm - tự luận

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, việc tổ chức thi THPT Quốc gia môn Toán hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm sẽ vô tình tạo “kẽ hở” gian lận. Bài thi hoàn toàn bằng trắc nghiệm nên khi xảy ra tiêu cực sẽ “tiêu cực trên diện rộng”; trước đây, việc gian lận chỉ sửa một vài bài, còn hiện nay, người gian có thể chữa điểm hàng loạt.

Cụ thể, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích: “Không thể chỉ thông qua những bài thi trắc nghiệm mà đánh giá chính xác được năng lực của một học sinh. Bởi vì, môn Toán là một môn học phải tư duy!

Trong khi đó, hình thức trắc nghiệm có thể khoanh bừa, mà nhiều em khoanh bừa lại rất chính xác. Yếu tố may mắn trong làm bài có thể xảy ra. Thi trắc nghiệm không học vẫn có điểm vì khoanh bừa, còn thi tự luận không học sẽ không có điểm”.

Ông cho rằng: “Theo tôi, để có thể đánh giá chính xác năng lực học sinh và sử dụng kết quả làm căn cứ cho các trường bậc đại học tuyển chọn sinh viên, nên có sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận, vừa yêu cầu thí sinh phản ứng nhanh, vừa yêu cầu thí sinh phải tư duy, suy luận”.

Theo GS. Phùng Hồ Hải, hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Đặc biệt, đối với môn Toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, sinh viên hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức Toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học.

Theo nhận định của ông, mô hình trắc nghiệm về cơ bản chỉ phù hợp với các kỳ thi dạng đánh giá năng lực, không phù hợp với các kỳ thi mang tính tuyển chọn.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP