Giáo dục

Thí điểm thi THPT quốc gia trên máy tính

“Chúng tôi đang dự kiến giai đoạn 2021-2023 kỳ thi THPT quốc gia về căn bản giữ ổn định phương thức thi như hiện nay và tính toán những nơi nào có điều kiện thì từng bước thực hiện thi trên máy tính một số lần/năm”.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nghiêm Huê

Đó là chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tại hội nghị tổng kết năm học 2018 -2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục Trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/8 tại Đà Nẵng. Ông Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi để trên cơ sở đó các Sở GD&ĐT sử dụng để đánh giá, kiểm tra thường xuyên.

Giai đoạn 2021-2023 vẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Theo lộ trình, năm 2024 sẽ có mùa thi THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, từ năm 2021 ngành giáo dục sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá để thi trên máy tính.

Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn năm 2021-2023 về căn bản vẫn giữ phương thức như hiện nay. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ phải thực hiện các bước cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tiệm cận với cách thức thi của chương trình giáo dục phổ thông mới và quốc tế. Theo ông Trinh, việc thi trên máy có thể tổ chức ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi trước, trên cơ sở hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính.

Tại hội nghị, bà Mai Thị Hữu, Ban Đề án ngoại ngữ quốc gia cho biết, dạy ngoại ngữ tại các trường từ tiểu học đến THPT hiện nay có hai chương trình giảng dạy song song là chương trình 7 năm và chương trình 10 năm. Trên toàn quốc có 38% học sinh cả ba cấp học được học tiếng Anh chương trình 10 năm. So sánh điểm trung bình giữa hai chương trình ngoại ngữ này, Ban Đề án nhận thấy, học sinh học chương trình 10 năm có điểm trung bình cao hơn 2 điểm so với chương trình 7 năm.

Hiện nay, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ đã được nâng lên đáng kể, khoảng 70% giáo viên đã đạt chuẩn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học mới 2019-2020, Bộ GD&ĐT cùng các Sở GD&ĐT sẽ phát động phong trào học tiếng Anh, tạo môi trường học ngoại ngữ trong chính nhà trường.

Cũng tại hội nghị, Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học vừa qua, mạng lưới trường, lớp giáo dục trung học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và yêu cầu phổ cập giáo dục THCS. Quy mô học sinh THCS tăng nhẹ và đi vào ổn định, phù hợp cơ cấu dân số theo độ tuổi huy động học sinh ra lớp. Công tác phổ cập giáo dục THCS được tăng cường; chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà được nâng lên. Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có chuyển biến tích cực, nhất là khu vực các thành phố lớn…

Cùng với đó, ngành giáo dục triển khai hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học được nâng lên và chuẩn hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện tích cực.

Trong năm học mới, Bộ GD&ĐT và các địa phương sẽ quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Ưu tiên các hạng mục như: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung trang thiết bị dạy học…

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP