Bạn cần biết

Thầy thuốc nghèo và bài thuốc chữa rắn cắn

Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, ông đã cứu 200 người bị rắn độc cắn và đặc biệt trong số người ông chữa không ai tử vong. Ông là lương y Bùi Đắc Lục - 52 tuổi, Phó Chủ tịch Hội đồng đông y huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Trước đó, trong 26 năm khoác áo lính (1984-2010) ông từng cứu hàng trăm người dân thoát chết bởi nọc rắn độc và được bà con gọi một cách quý mến: “Chú bộ đội chữa rắn độc cắn cực tài”.

Tôi đến nhà ông Lục ở khối 3 thị trấn Tân Kỳ đúng lúc vợ ông - bà Vương Thị Hoa - đang rửa vết thương và gắp những phần thịt bị hoại tử trên cánh tay phải của bệnh nhân Lê Trọng Nhật (60 tuổi) đến từ xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Thấy tôi ngạc nhiên, bà Hoa giải thích: “Tôi về làm dâu năm 1986. Hồi ấy ông Lục đang tại ngũ, tôi phụ giúp cha chồng nên thạo việc này”. Ông Nhật nhìn vết thương đang hồi phục, cảm kích: “Mấy hôm đầu cánh tay của tôi bị hoại tử, ghê lắm. Nay sống rồi”.

Cưu mang người bệnh

Ông Nhật kể: “Tôi đang dắt trâu đi ăn ngoài đồng thì giẫm phải đuôi con rắn. Tưởng rắn lành, tôi thả trâu chạy theo đập, nghĩ được bữa chả viên nhắm rượu. Trên đường về, tay cầm chặt cổ con rắn đã chết, nhưng không may ngón tay cái vướng vào răng nanh của nó, thế là người đau réo như ong đốt. Về nhà con chở đi bệnh viện huyện ngay. Điều trị ba tuần nhưng cánh tay cứ bị hoại tử dần. Gia đình chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Nghệ An nằm thêm một tuần nữa. Bác sĩ chỉ truyền kháng sinh chống phù nề, vết thương không đỡ.

Lúc đó chị Hường - một người bà con ở huyện Tân Kỳ - điện thoại hỏi thăm. Nghe tôi nói khả năng rụng mất cánh tay, chị giục về nhà thầy Lục gấp. Ông Lục nhìn vết thương biết tôi bị nọc độc của rắn hổ mang bành, vì phần bị hoại tử sâu và rộng hơn so với vết thương bị rắn lục cắn. Ông khẳng định sẽ bảo vệ được cánh tay và bàn tay, còn ngón cái chỉ dám chắc giữ được khoảng 20%”.

Ông Lục kể: “Sau khi ông Nhật uống thuốc và rịt vết thương theo phương pháp “nội ẩm, ngoại đồ” (trong uống, ngoài rịt) được hai ngày thì giữ được cả ngón tay cái. Sau 25 ngày điều trị, ngón tay cái lòi đoạn xương nay đã đỏ thịt do tế bào phát triển trở lại”.

Đang chuyện thì ông Nguyễn Văn Hiếu - người dân tộc Thổ, trú tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ - vác một két bia lon đến. Ông chìa bàn tay phải cho ông Lục bắt với nỗi mừng khôn xiết: “Bàn tay tôi đã biết bắt tay rồi. Không có đại ca Lục thì đời tôi đã tiêu. Hôm nay tôi đến cảm tạ đại ca đây”.

Ông kể: “Lúc đó, tôi kéo khúc gỗ mục sau hồi ra bửa. Mới được một nhát thì một miếng củi văng vào hốc khúc gỗ. Tôi thò tay vào lấy thì bị rắn cắn. Tôi rụt tay ra kéo theo con rắn hổ mang vì nó vẫn cắn chặt vào ngón tay áp út. Sẵn tay trái đang cầm rìu tôi chặt đôi con rắn. Con rắn rơi xuống để lại cái răng nanh trong ngón tay. Tôi mổ mật rắn pha rượu uống, nghĩ là mật rắn sẽ trị được nọc độc của rắn, không ngờ mới uống vài chén thì miệng cứng lại”.

3 giờ chiều hôm đó, người nhà đưa ông Hiếu đến bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ cấp cứu. Đến gần nửa đêm, một bác sĩ mách nên tìm đến nhà thầy Lục. Lúc này ông Lục đang đi họp ở Huế, nghe vợ gọi điện báo, ông hướng dẫn vợ mang thuốc vào cứu gấp.

“Tôi đến thấy ông Hiếu quằn quại trên giường, đã bị cấm khẩu nhưng vẫn nôn mửa. Bác sĩ phải găng miệng ra để tôi nhỏ từng giọt thuốc. Sau 15 phút, ông Hiếu không đau nữa. Một giờ sau, ông tỉnh lại. Gần sáng thì thấy người nhà khiêng ông đến nhà tôi. 15 ngày sau ông về nhà” - bà Hoa nhớ lại.

Người bạn đi cùng ông Hiếu kể một chuyện nhớ đời: “Hôm đến thăm ông Hiếu, tôi gặp 4 người gánh bệnh nhân Chu Văn Cương (26 tuổi) đến từ xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Anh này bị rắn lục đỏ đuôi cắn, cánh tay đang hoại tử. Khi chuyển từ cáng xuống, toàn thân anh ta tím như màu quả mận quân. Khi người nhà đỡ ngồi dậy thì máu chảy từ mũi, mắt và lỗ tai. Nhưng thầy Lục cam đoan chữa được. Sau một tháng thì anh này “xuất viện”. Giỏi thế!”.

Cứu người trong bệnh viện

Ông Lục mở cuốn nhật ký ghi 7 bệnh nhân bị rắn độc cắn đang cấp cứu tại các bệnh viện được ông cứu sống. Đó là Nguyễn Song Lục (19 tuổi, trú tại xã Nam Hồng, huyện Nam Đàn) bị rắn cặp nia cắn, đang thở ôxy trong Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Nhìn bệnh nhân ông nhận định, sau uống thuốc khoảng 30 phút thì sẽ tỉnh. Nhưng chỉ sau 4 phút bơm thuốc, mọi người nhìn màn hình đã thấy sóng nhịp tim, huyết áp trở lại bình thường.

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân tên Hồng - công tác tại trại giam số 3 - cũng đang thở ôxy tại Bệnh viện Đa khoa Tân Kỳ. Khi ông Lục đến, bệnh nhân chuẩn bị hôn mê sâu, nhưng khi uống thuốc được 4 giờ thì tỉnh. Cháu Nguyễn Thị Tú (7 tuổi, trú tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đang thở ôxy tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng trên đường đến Vinh, người nhà thuyết phục bác sĩ cho lên gặp thầy Lục. Sau khi được uống thuốc, Tú đã tỉnh dậy.

Chị Phan Thị Tuyết Nhung (26 tuổi, ngụ tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị rắn lục đỏ đuôi cắn vào mu bàn tay khi đang mang thai 4,5 tháng cũng được ông Lục cứu sống, sau khi bệnh nhân được cấp cứu bằng máy bay từ Khánh Hòa ra Hà Nội rồi quay vào Vinh.

Chúng tôi xin ông Lục số điện thoại chị Nhung để hỏi chuyện về cuộc chữa trị ly kỳ này. Chị Nhung kể: “Hôm bị rắn độc cắn, người nhà đưa tôi ra sân bay Cam Ranh bay ra Nội Bài để nhập viện ở Hà Nội, nhưng khi vừa xuống sân bay, người nhà bên chồng ở Nghệ An gọi bảo đưa về Vinh ngay. Thế là tôi quay lại mua vé, bay vào Vinh. Do chưa tin thầy Lục có thể chữa được nên người nhà đưa tôi vào Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Điều trị hai ngày nhưng người vẫn đau quặn, cô em chồng đưa tôi trốn bệnh viện đi taxi lên nhà thầy Lục. Khi đến nơi, tay sưng to. Khoảng 30-40 phút thai quặn một lần như kiểu dọa sinh. Nhưng 24 giờ sau khi uống thuốc thì thai ổn định. Điều trị 10 ngày ở nhà thầy Lục, tôi khỏe hẳn. Tôi điện ra báo với gia đình thầy Lục là đã sinh con gái và hết lòng cảm ơn gia đình thầy”.

Ông Lục kể: “Rất may, một số bác sĩ ở các bệnh viện biết bài thuốc gia truyền của tôi nên không ngăn cấm khi bệnh nhân đang nguy kịch. Một lần người nhà bệnh nhân ở huyện Hưng Nguyên gọi điện khẩn thiết nhờ tôi đến cứu ở bệnh viện. Sau khi uống thuốc 15 ngày, bệnh nhân này khỏi hẳn”.

Bài thuốc gia truyền

Bài thuốc gồm 6 loại lá: Lá cây găng (mọc trong rừng), lá cỏ chỉ thiên (mọc bên bờ ruộng), lá trâng (mọc ở rừng), lá nổ rang (mọc bên khe suối), lá cợi lộ (mọc bên đường) và lá mộc tía. Ngoài ra còn có hai loại lá phụ khác. Cách bào chế theo phương pháp cổ truyền: Phơi khô hoặc sấy không quá 50 độ, tán mịn. Trung bình một bệnh nhân bị rắn độc cắn, nếu chữa liền thì chỉ dùng 10 liều. Một liều giá 15.000 đồng, nhưng ai khó khăn thì ông Lục biếu và nuôi ăn để điều trị tại nhà.

Ông cho biết bài thuốc do ông nội truyền lại cho cha, nay cha truyền lại cho ông. “Kinh nghiệm của cha tôi dạy là hái lá vào buổi trưa ngày trời nắng. Chữa bệnh phải chính xác, giảm tối đa thời gian, chi phí cho bệnh nhân đi lại và giảm vết thương tật trên cơ thể họ. Hiện các bệnh nhân từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Cao Bằng, Đắc Lắc, Đồng Nai cần thuốc thì tôi gửi qua đường bưu điện” - ông Lục chia sẻ.

Nói đoạn, ông chở tôi đi thăm một bệnh nhân mới. Ngồi trên chiếc xe máy cứ kêu lạch cạch, ông bảo: “Xe cà tàng, nhưng đi bất kể ngày đêm khi bệnh nhân bị rắn độc cắn nhưng không thể đến nhà tôi được. Chỉ trừ mỗi cái còi là không kêu. Mà xe kêu lạch cạch rồi thì bóp còi mần chi nữa”.

Đề tài mới được công bố trong hội thảo

Tháng 8.2012, Liên hiệp các hội KHKT huyện Tân Kỳ tổ chức hội thảo về bài thuốc chữa rắn cắn của ông Lục, với sự tham dự của GS-TS Nguyễn Viết Thân - Chủ nhiệm bộ môn dược liệu Trường ĐH Dược Hà Nội, Giám đốc BV Y học cổ truyền Nghệ An cùng một số y, bác sĩ BV Đa khoa huyện Tân Kỳ, Bộ đội Biên phòng Nghệ An và 8 bệnh nhân bị rắn cắn đã được ông Lục chữa khỏi. Tại đây, ông Lục trình bày đề tài khoa học “Bài thuốc Nam chữa rắn độc cắn”.


Hội thảo đánh giá cao bài thuốc chữa rắn độc cắn của ông Lục. Từ bài thuốc này, ông đã được UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, trong đó có bằng khen của Ban chấp hành trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng về “thành tích trong công tác thừa kế, bảo tồn môn thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh của đông y”, tháng 7.2013.

Ông tâm sự: “Tác dụng của bài thuốc đã rõ, nhưng tiếc là chưa có một nhà khoa học nào về đây nghiên cứu bài thuốc, để cứu giúp người dân lâm nạn. Tôi ước bài thuốc này được cấp phép như thuốc lào Vĩnh Bảo để nhân dân mọi miền có thể áp dụng, chứ không như kiểu chữa bệnh cứu người mà như chữa “chui” như hiện nay”.

Tác giả: Sông Lam

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP