Thể thao

Thầy ngoại nào dưới 'giá treo cổ' V-League 2023?

Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn là “đất dữ” với các huấn luyện viên ngoại.

Văn Hậu (bên phải) trong trận Công an Hà Nội 1-1 HAGL.

Mùa này cũng vậy, mới chỉ qua 4 vòng đấu, sức nóng khủng khiếp và nguy cơ mất việc đang lơ lửng trên đầu một số thầy ngoại.

V-League 2023 có 4 đội sử dụng huấn luyện viên nước ngoài. Đó là Kiatisak Senamuang (quốc tịch Thái Lan, HAGL), Bandovic Bozidar (Montenegro, Hà Nội FC), Paulo Foiani (Brazil, Công an Hà Nội) và Velizar Popov (Bulgaria, Thanh Hóa).

Ngoài Kiatisak, 3 người còn lại lần đầu đảm nhiệm công tác huấn luyện ở Việt Nam và họ đang có những sự khởi đầu khác nhau.

Mỗi người một vẻ

Huấn luyện viên Velizar Popov của đội Thanh Hóa đang để lại dấu ấn đậm nét nhất. Tiếp quản một đội vốn không được đánh giá cao trước giải, khó khăn nhiều mặt, song cựu huấn luyện viên đội tuyển U23 Myanmar đã tạo ra một tập thể chơi chắc chắn, chơi có mảng miếng rõ ràng.

Đội bóng xứ Thanh cũng có thành tích bất bại, 2 thắng và 2 hòa. Tuy hàng công mới ghi được 3 bàn, song các học trò của Popov thể hiện khả năng kiểm soát thế trận, ngay cả khi đối thủ của họ là đương kim vô địch Hà Nội và điều đó giúp họ mới chỉ để thua 1 bàn.

Bên cạnh đó, chiến lược gia người Bulgaria còn hòa nhập rất nhanh với văn hóa V-League, cũng như với người hâm mộ Việt Nam.

Ngày mới đến, ông đã khẳng định giải chuyên nghiệp Việt Nam khắc nghiệt nhất Đông Nam Á, khó hơn cả giải nhà nghề Thái Lan, Malaysia hay Indonesia!?

Trong trận gặp Hà Nội FC gần đây, các cầu thủ Thanh Hóa tranh cướp bóng quyết liệt để phá lối chơi của đối thủ. Đến khi bị chỉ trích về việc các học trò “đá bạo lực”, ông Popov dùng số liệu thống kê trận đấu chỉ ra rằng, câu lạc bộ Hà Nội phạm lỗi còn nhiều hơn đội Thanh Hóa.

Đội bóng Hà Nội đang trong giai đoạn khẳng định tham vọng và chinh phục đấu trường châu lục, chứ không chấp nhận “quẩn quanh” với giải quốc nội. Thế nên, lãnh đạo Hà Nội FC đã không tiếc tiền trải thảm đỏ đưa về huấn luyện viên Bandovic Bozidar, người đã tạo dựng được tên tuổi tại Buriram FC, lá cờ đầu của các câu lạc bộ Thái Lan tại trường quốc tế.

Chưa đầy một tháng ngồi “ghế nóng”, chiến lược gia người Montenegro đã giành Siêu Cúp quốc gia, góp công đưa Hà Nội FC hoàn tất cú ăn 3 lịch sử ở mùa giải 2022.

Bước vào V-League, sau khi bị Viettel cầm hòa ở trận ra quân, Bandovic và các học trò nhanh chóng thể hiện sức mạnh bằng 2 chiến thắng liên tiếp trước khi để cho Thanh Hóa chia điểm tại Hàng Đẫy.

Đội bóng Thủ đô hiện đứng thứ‏ hai trên bảng xếp hạng với 8 điểm, kém 1 điểm so với đội đầu bảng Bình Định. Đội chủ sân Hàng Đẫy dưới tay ông Bandovic đã thay đổi về lối chơi, với sơ đồ chiến thuật 3-4-3, hoặc 3-5-2 khi cần. Điều đó giúp các cầu thủ Hà Nội chơi đa dạng, biến ảo hơn theo từng giai đoạn của trận đấu, trước những đối thủ khác nhau.

Huấn luyện viên Foiani.

Trong các thầy ngoại tại V-League 2023, Kiatisak là người am hiểu bóng đá Việt Nam nhất. Từng giúp Hoàng Anh Gia Lai dẫn đầu V-League 2021 (trước khi giải đấu bị hủy vì dịch bệnh) và về thứ ba tại Cúp quốc gia 2022.

Tuy nhiên, “Zico Thái” bước vào mùa giải năm nay với rất nhiều khó khăn. Đội bóng phố Núi đang trong quá trình chuyển giao lực lượng. Thế hệ cầu thủ tài năng lần lượt ra đi. Sau Công Phượng, Xuân Trường, đến Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy… và Hoàng Anh Gia Lai không có những sự thay thế tương xứng từ những cầu thủ trẻ.

Kiatisak đã phải đối mặt với thử thách quá lớn. Có lẽ điều ông làm tốt nhất là giúp các học trò không rơi vào hoàn cảnh xấu nhất. Hoàng Anh Gia Lai không thắng sau 4 trận, nhưng họ cũng không thua, ghi 4 bàn và cũng để thua 4 bàn.

Chiến lược gia người Thái không quá bận tâm vì nguy cơ mất việc, bởi ông và bầu Đức còn có những ràng buộc khác, song làm gì để đội bóng thi đấu khởi sắc, tránh phải đua trụ hạng đang là bài toán đặt ra lúc này. Nếu vực dậy được đội chủ sân Pleiku, có lẽ không còn ai có thể nghi ngờ tài xoay xở và tầm nhìn của Kiatisak.

Nguy nan nhất là trường hợp huấn luyện viên Paulo Foiani. Sau khởi đầu như mơ khi đánh bại Bình Định 5 bàn không gỡ, câu lạc bộ Công an Hà Nội trở lại mặt đất sau 2 trận thua trước Hà Nội FC và Viettel.

Dù đây là thất bại trước những đội vô địch V-League, song đội bóng dưới tay Paulo Foiani đang cho thấy nhiều vấn đề. Đội hình nhiều sao của Công an Hà Nội chơi bóng thiếu gắn kết, điều đó khiến họ đang phụ thuộc vào các ngoại binh (chưa nội binh nào ghi bàn mùa này). Và 1 điểm may mắn tại Pleiku trước Hoàng Anh Gia Lai cho thấy rõ hơn các hạn chế của đội Công an Hà Nội.

Công an Hà Nội cần có thời gian, bởi cũng nên thông cảm với chiến lược gia người Brazil khi làm việc ở một môi trường nhiều tính đặc thù như V-League. Nhưng Paulo Foiani phải sớm cho thấy được trình độ chuyên môn của mình, hiểu bóng đá, văn hoá cũng như những mối quan hệ ngoài sân cỏ.

Và ông cũng phải thích nghi, thể hiện năng lực với đội hình nhiều cầu thủ ngôi sao của Công an Hà Nội.

Phong cách chỉ đạo máu lửa của huấn luyện viên Popov.

Quy luật khó phá

Đội tuyển bóng đá Việt Nam thường thành công với huấn luyện viên nước ngoài (nổi bật là các ông Calisto hay Park Hang Seo), song các câu lạc bộ ở V-League hiếm khi gặt hái vinh quang khi được huấn luyện bởi thầy ngoại. Thậm chí, tồn tại này đã trở thành quy luật.

Mùa giải 2022, huấn luyện viên Chun Jae-ho giúp Hà Nội FC giành cú đúp quốc nội, vô địch V-League và Cúp Quốc gia. Tuy nhiên, thành tích của chiến lược gia người Hàn không được đánh giá cao về vai trò cá nhân, và ông Chun cũng không được coi là đại diện cho thành công của thầy ngoại. Bởi ông cũng chỉ là một mảnh ghép của một tập thể có nền tảng rất chắc chắn về con người, chiến thuật và triết lý được bồi đắp nhiều năm dưới thời thầy nội như Phan Thanh Hùng, Chu Đình Nghiêm.

Với đội hình, trừ các ngoại binh, đều là tuyển thủ quốc gia như Hà Nội FC, có cảm giác ai cầm quân cũng có thể thành công.

Theo thống kê, trước khi ông Chun Jae-ho vô địch cùng Hà Nội FC, lần gần nhất một huấn luyện viên ngoại quốc giành danh hiệu với câu lạc bộ Việt Nam đã diễn ra cách đây 9 năm.

Mùa giải 2014, huấn luyện viên Dylan Kerr cùng đội Hải Phòng thắng Bình Dương để giành chức vô địch Cúp quốc gia. Còn muốn tìm một thầy ngoại gần nhất vô địch V-League thì phải ngược dòng 17 năm, huấn luyện viên Calisto cùng đội ĐTLA.

Huấn luyện viên Bandovic vô địch Siêu cúp quốc gia 2022 cùng Hà Nội FC.

10 năm qua, V-League chứng kiến nhiều huấn luyện viên ngoại đến rồi đi, nhưng thành công rất hiếm hoi. Đa số các thầy ngoại không trụ quá 1 năm, có người không quá nổi 4 vòng (như huấn luyện viên Fabio Lopez ở đội Thanh Hóa).

Thành tích tốt nhất phải kể đến ông Chung Hae-seong (Á quân V-League 2019), nhưng chiến lược gia người Hàn cũng chỉ cầm quân ở đội TPHCM 2 năm. 5 năm qua, cứ mỗi khi huấn luyện viên người Pháp Herve Renard đưa một đội tuyển quốc gia tham dự World Cup, ông lại được nhắc đến vì lý lịch từng mất việc ở Nam Định.

Vì sao Renard, một người dẫn dắt Saudi Arabia thắng cả Argentina, lại không tạo được dấu ấn gì ở V-League? Tại sao rất nhiều thầy ngoại thất bại? Vấn đề không nằm ở năng lực huấn luyện, mà còn là khả năng hòa nhập với văn hóa Việt Nam, hiểu cầu thủ Việt Nam, giao tiếp khéo léo với lãnh đạo hay thậm chí phụ thuộc vào thái độ những ông chủ bỏ tiền nuôi đội bóng mà huấn luyện viên cũng chỉ là người làm thuê, với nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào.

Bandovic khởi đầu ấn tượng với Hà Nội FC. Tuy nhiên, thử thách của ông ở phía trước với đấu trường rất khó là AFC Champions League và bên cạnh đó, vẫn còn mục tiêu bảo vệ thành công các danh hiệu quốc nội, cùng lối chơi đẹp và cống hiến. Thế nên, 4 trận không thua tại V-League 2023 mới chỉ những bước đi đầu tiên trên hành trình chông gai của chiến lược gia người Montenegro.

Hà Nội FC vốn không có thói quen “thay ngựa giữa dòng”, song nếu không đạt mục tiêu thì khả năng huấn luyện viên Bandovic chia tay vào cuối mùa là rất lớn.

Bóng đá Thanh Hóa vốn không phải là “mảnh đất lành” với các huấn luyện viên. 10 năm gần đây, đội bóng xứ Thanh đã thay tổng cộng 13 huấn luyện viên, có lẽ là kỷ lục!? Trong số này, trước ông Popov đương chức huấn luyện viên trưởng có 4 thầy ngoại, gồm Petrovic, người 2 lần huấn luyện đội Thanh Hóa vào năm 2017 và giai đoạn 2021 - 2022, Mihail Cucchiaroni (Romania), Fabio Lopez (Ý), Svetislav Tanasijevic (Serbia, tạm quyền cuối mùa giải 2022).

Ngoài ra, sau trận hòa với Hà Nội FC tại Hàng Đẫy, huấn luyện viên Popov bắt đầu thu hút sự chú ý bằng phát biểu về mặt sân xấu và trọng tài, những nguyên nhân theo chiến lược gia người Bulgaria đã khiến đội bóng Thanh Hóa khó thắng.

Điều ông Popov nói không sai thực tế, song với phát biểu công khai trong cuộc họp báo về trọng tài cũng đồng nghĩa ông đã động đến góc khuất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sau giai đoạn “làm nhiều hơn nói”, ông Popov bắt đầu thổi lửa vào những mối quan hệ bên ngoài đội bóng. Hãy chờ xem điều đó sẽ dẫn đến những gì?

Theo điều lệ giải, V-League 2023 sẽ thi đấu theo hai giai đoạn. Giai đoạn lượt đi các đội đá vòng tròn một lượt tính điểm. Kết thúc giai đoạn lượt đi, nhóm A có 8 đội, tranh vị trí từ số 1 đến số 8, nhóm B có 6 đội tranh vị trí từ số 9 đến 14 trên bảng xếp hạng.

Tham vọng của đội Công an Hà Nội là đua tranh chức vô địch, song vấn đề đặt ra lúc này là ông Foiani có đưa các học trò lọt tốp 8 đội để vào nhóm A hay không? Hiện đội bóng ngành Công an đang đứng thứ 8, trong khi các đội đứng sau với khoảng cách sít sao về điểm số.

Paulo Foiani từng dẫn dắt 21 câu lạc bộ ở Brazil. Thậm chí, ông còn có ekip huấn luyện am hiểu bóng đá Việt, với trợ lý Flavio (Brazil) từng giúp đội Gia Định vô địch giải hạng Nhì 2020, hay cựu tuyển thủ Hứa Hiền Vinh và Lê Phước Tứ, cùng dàn tuyển thủ Văn Thanh, Văn Đức, Tấn Tài, Văn Hậu…

Nhưng nếu đội Công an Hà Nội không nhanh chóng trở lại cỗ máy chiến thắng, rất có thể Paulo Foiani sẽ là ông thầy ngoại đầu tiên của V-League 2023 mất việc.

Sau 4 vòng, V-League 2023 sẽ tạm nghỉ để nhường chỗ cho U20 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2023 cũng như kế hoạch tập trung của tuyển Việt Nam. Đáng chú ý, thời gian nghỉ sẽ kéo dài lên đến gần 50 ngày.

Ngoài đợt nghỉ này, V-League 2023 trở lại từ ngày 6/4 và thi đấu thêm 10 ngày sẽ tiếp tục nghỉ đến ngày 19/5 để nhường chỗ cho U22 Việt Nam hội quân dự SEA Games 32.

Với kiểu nghỉ “không giống ai” của V-League cũng là trở ngại rất lớn cho các thầy ngoại trong việc quản quân và duy trì phong độ cho các học trò.

Tác giả: Thành Nam

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP