Kỳ thi THPT năm 2025 có những thay đổi đáng kể về phương án thi tốt nghiệp Việc này vừa phù hợp với mục tiêu giảm áp lực, tiết kiệm thời gian, chi phí kỳ thi, vừa nâng cao chất lượng phân loại, đánh giá năng lực học sinh được chính xác hơn.
Ngữ văn cũng là một trong những bộ môn có nhiều điều chỉnh trong cách kiểm tra, đánh giá, đáp ứng yêu cầu học tập mới, tránh học tủ, học vẹt.
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên sách giáo khoa môn tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đánh giá: "Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn dự kiến từ năm 2025 sẽ gây nhiều thách thức với thí sinh, các em sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn so với trước trong một khoảng thời gian hạn chế".
Hơn nữa, mức độ áp lực này sẽ càng tăng trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình mới, đây cũng là lứa học sinh mới học chương trình và sách giáo khoa mới chỉ vỏn vẹn 3 năm.
Tuy nhiên, đội ngũ biên soạn sách giáo khoa cũng đã xây dựng nội dung bài học giúp học sinh có thể học tập đảm bảo mục tiêu của chương trình mới. Cùng với đó, ông Bùi Mạnh Hùng cho rằng các thầy cô cũng cần lưu ý thay đổi phương pháp giảng dạy môn Ngữ Văn ngay từ đầu cấp THPT, để các em làm quen tránh bỡ ngỡ.
Sách Ngữ văn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được xây dựng đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. |
Theo đó, sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thầy cô cần lưu ý xây dựng, tổ chức các hoạt động đọc, viết, nói và nghe cho học sinh.
Ở đây, cần tránh cách dạy "thầy đọc, trò chép" và hạn chế việc giải thích, bình giảng quá nhiều. Nhưng, điều này không có nghĩa là sẽ loại bỏ hoàn toàn việc giải thích hay bình giảng của giáo viên.
"Đối với phần tri thức ngữ văn, người dạy cần tập trung vào việc giảng các khái niệm về văn học và tiếng Việt, với mục đích trang bị cho người học những công cụ để vận dụng vào các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe.
Song song với đó, giúp các em củng cố kiến thức qua thực hành, tránh việc cung cấp kiến thức quá chuyên sâu, dẫn đến quá tải cho học sinh", ông Bùi Mạnh Hùng lưu ý.
Các bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn bộ Kết nối tri thức tập 1 và tập 2. |
Khi hướng dẫn học sinh thực hành đọc hiểu văn bản theo thể loại, cần tránh cực đoan. Khi đọc hiểu tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm văn học, phải chú trọng đến các giá trị đặc sắc và vẻ đẹp riêng của văn bản.
Chuyên gia cho rằng dạy học Ngữ văn là quá trình giúp học sinh tiếp cận và khám phá giá trị của các sản phẩm ngôn từ, vì vậy cần hạn chế sử dụng công nghệ và các hoạt động không mang tính đặc trưng của môn học.
Sách giáo khoa Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế hệ thống yêu cầu của kiểu bài rất khoa học, phát triển logic từ lớp 6 đến lớp 12. Sách cũng chủ trương học sinh cần được thực hành, viết dựa trên việc phân tích "mẫu", tức bài viết tham khảo.
Với hoạt động nói và nghe, chỉ nên dành thời gian hướng dẫn trong giai đoạn đầu. Khi các em đã làm quen với quy trình thực hành nói và nghe qua các bước, giáo viên cần dành nhiều thời gian cho các em thực hành.
Sách giáo khoa Ngữ văn được biên soạn theo hướng mở, cho phép giáo viên linh hoạt triển khai nội dung bài học tùy theo điều kiện dạy học và khả năng của học sinh.
Theo Chương trình GDPT 2018, giáo dục THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. |
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
Nguồn tin: nguoiduatin.vn