Trong tỉnh

Thành phố Vinh có nên mở phố đi bộ?

Thành phố Vinh có nên hay không nên mở phố đi bộ đang được dư luận quan tâm. Xung quanh vấn đề này, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng có những trao đổi về vấn đề này.

Chủ trương mở phố đi bộ, chợ đêm đã được thành phố Vinh lên ý tưởng nhằm tạo điểm vui chơi cho người dân và thu hút khách du lịch. Đầu tháng 4/2019, thành phố khởi động ý tưởng này khi cử một đoàn cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm ở Hà Nội, Huế. Tuy nhiên, việc có nên mở phố đi bộ hay không, nếu mở thì nên chọn tuyến đường nào và cơ chế thực hiện ra sao... cần được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận.

Mở phố đi bộ là tất yếu của đô thị văn minh

KTS Trần Ngọc Chính phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

P.V: Xin kiến trúc sư (KTS) cho biết một vài đánh giá về xu hướng mở các khu phố đặc thù (phố đi bộ, phố đêm) ở một số đô thị lớn nước ta hiện nay.

KTS Trần Ngọc Chính: Trước hết, có thể nói, khu phố đi bộ hay phố đêm là xu thế phát triển tất yếu, thể hiện trình độ phát triển và văn minh đô thị của không chỉ nước ta mà còn trên thế giới. Một số nước phát triển như Pháp, Ý, Hà Lan, Nga đều có một số đại lộ lớn gắn liền với biểu tượng là phố đi bộ…

Ở nước ta, tùy vào điều kiện phát triển và nét văn hóa mà mỗi địa phương có phố đi bộ hay phố đêm khá đa dạng.

Đường Quang Trung đoạn giao nhau với đường Trần Phú là tuyến phố khá sầm uất được KTS Trần Ngọc Chính cho rằng có thế mở phố đi bộ. Ảnh: Nguyễn Hải

P.V: Vậy Bộ Xây dựng đã có tiêu chí về phố đi bộ/phố đêm chưa?

KTS Trần Ngọc Chính: Thực ra, từ trước đến nay, Nhà nước và Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là phố đi bộ hay phố đêm mà tùy từng địa phương, chính quyền đô thị trên cơ sở các mô hình thực tiễn để triển khai, vận hành tại địa phương nhằm phát triển du lịch.

Vì vậy, cùng là phố đi bộ, phố đêm nhưng mỗi địa phương đều có đặc trưng riêng. Tuy nhiên, với xu thế phát triển của đô thị như hiện nay và ngày càng có nhiều khu phố đặc thù ra đời, tôi cho rằng đã đến lúc Bộ Xây dựng cần ban hành quy định và hướng dẫn các tiêu chí cơ bản của loại hình tuyến phố đặc trưng này.

P.V: Là chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đô thị và luôn theo sát quá trình phát triển của quy hoạch thành phố Vinh, xin KTS cho biết TP. Vinh đã có kế hoạch chi tiết về việc mở phố đi bộ chưa?

KTS Trần Ngọc Chính: Trong các lần làm việc với Thành ủy và UBND thành phố về quy hoạch, tôi nhận thấy thành phố Vinh ngoài tiêu chuẩn đô thị loại 1 còn được xác định là trung tâm thương mại của Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ.

Quy hoạch TP. Vinh chưa có chi tiết cụ thể về việc sẽ quy hoạch và mở phố đêm hay phố đi bộ tại tuyến phố nào. Tuy vậy, bản thân nhận thấy khu vực ngã tư chợ Vinh là khu thương mại sầm uất nhất là nơi để mở phố đi bộ kết hợp trao đổi, mua bán hàng hóa, nếu phố đi bộ mở được mở ở tuyến này thì đây là ý tưởng mới, táo bạo cần được cân nhắc xem xét.

Đường Hồng Bàng được KTS.Trần Ngọc Chính cho là phù hợp với không gian phố đi bộ về đêm gắn với mua sắm và ẩm thực. Ảnh: Nguyễn Hải

Mở phố đi bộ về đêm, TP. Vinh phải làm gì?

P.V: Với tư cách là chuyên gia về quy hoạch đô thị, theo ông thành phố Vinh đã đủ điều kiện mở phố đi bộ về đêm chưa? Nếu mở phố thì nên theo mô hình nào để phát huy hiệu quả?

KTS Trần Ngọc Chính: Vinh là đô thị loại 1 và dân số đang tiến gần tới gần 50 vạn người. Với quy mô dân số và xu thế phát triển hiện nay thì việc Vinh xem xét mở phố đi là điều bình thường và dễ hiểu.

Một số đô thị có quy mô dân số nhỏ hơn Vinh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau… đều đã mở khu phố đêm đi bộ khá ấn tượng. Trên thực tế, một số đô thị biển nhỏ hơn như Bãi Cháy hay Cửa Lò cũng có thể mở phố đi bộ về đêm để du khách đi bộ mua sắm và thưởng thức ẩm thực.

Đối với TP. Vinh, nếu mở phố đi bộ, theo tôi trước mắt chỉ mở về đêm và tại 1 điểm; mô hình kết hợp đi bộ với tham quan để mua sắm các hàng hóa có tính đặc trưng riêng, kết hợp với ẩm thực nhẹ. Thành phần hướng đến là các tầng lớp thanh niên hay khách du lịch vãng lai đến tham quan, check-in, trao đổi, mua sắm…

Đường Hồ Tùng Mậu đoạn tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Nguyễn Hải

P.V: Nếu TP. Vinh đủ điều kiện mở phố đêm, theo KTS nên mở tuyến phố nào? Lộ trình, cách thức thực hiện ra sao?

KTS Trần Ngọc Chính: Theo quan điểm cá nhân, TP. Vinh nếu mở phố đêm thì tuyến Quang Trung và Trần Phú, trong đó khu vực ngã tư chợ Vinh là lý tưởng nhất. Đây là tuyến phố thương mại sầm uất nhất có thể mở phố đi bộ, kết hợp tham quan mua sắm. Thế nhưng, đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Bắc – Nam, không thể cấm xe cộ lưu thông và nếu làm thì chỉ làm dọc 2 bên vỉa hè. Để kết nối 2 bên, thành phố phải làm cầu đường bộ trên cao hoặc dưới ngầm qua đường. Một hạn chế khác là khu vực này còn thiếu hạ tầng là bãi đậu xe và quy hoạch chưa đồng bộ với tính chất phố đi bộ đêm. Nếu thành phố quyết tâm thì nên nghiên cứu kỹ một tuyến phố và tổ chức chỉnh trang để làm thí điểm.

Ngoài ra, có một phương án khác là mở phố đi bộ là đường Hồng Bàng song song với đường Quang Trung khi nằm ngay phía sau các khu dân cư, khách sạn lớn, cơ sở hạ tầng có thể cải tạo, mở rộng được...

Đường Hồ Tùng Mậu (bên phải) sát Quảng trường Hồ Chí Minh có thể triển khai phố đi bộ. Ảnh: Sách Nguyễn

Về phương án mở phố đi bộ tại đường Hồ Tùng Mậu, đây là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh, thuận lợi về hạ tầng nhưng yêu cầu mua sắm, thương mại hạn chế. Tuyến phố này lưu lượng giao thông lớn, thường diễn ra các sự kiện chính trị nên nếu mở phố đi bộ thì thành phố phải khảo sát, tính toán kỹ thời gian để có phương án phân luồng giao thông khoa học, không ảnh hưởng lớn đến dân sinh…

Để mở phố đêm hay phố đi bộ, TP. Vinh sẽ còn nhiều việc phải làm. Từ lấy ý kiến nhân dân, chọn tuyến phố trên cơ sở đó thiết kế lại hạ tầng, mở rộng vỉa hè, bãi đậu xe, tổ chức phân luồng giao thông; lát vỉa hè bằng loại gạch phù hợp, đèn chiếu sáng, cây xanh, ghế ngồi, biểu trưng khu phố để nhận diện và tạo nét riêng. Hai bên phố có cửa hàng, mặt hàng đa dạng, giao tiếp, ứng xử văn minh… làm vừa lòng du khách.

Đường Quang Trung có nhiều lợi thế về hạ tầng vỉa hè cũng như các cơ sở thương mại mua sắm để trở thành phố đi bộ về đêm. Ảnh: Nguyễn Hải

Về phía nhà quản lý và người làm dịch vụ trong phố đi bộ hay phố đêm đều phải được cho đi tập huấn, học tập kinh nghiệm quản lý, vận hành chu đáo; vệ sinh môi trường không chỉ sạch về đêm mà cả ban ngày…

Tin rằng nếu quyết tâm và nhận được sự đồng thuận của người dân thì không lâu nữa TP. Vinh sẽ có một phố đi bộ văn minh và mang dấu ấn văn hóa riêng, đậm nét nét.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Nguyễn Hải

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP