Giáo dục

Thanh Hóa chi 439 tỷ đồng cho 29 công trình giáo dục

Nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giáo dục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Thanh Hóa quyết định chi 439 tỷ đồng cho 29 công trình.

Ngày 29/11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt hỗ trợ có mục tiêu ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giáo dục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này.

Theo đó, có 29 công trình sẽ được hỗ trợ với tổng mức đầu tư dự kiến là 439 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ chi 439 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư, xây dựng 29 công trình tại các địa phương của tỉnh này (Ảnh: T.T).

Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư đối với các huyện đồng bằng, hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư đối với các huyện miền núi, đối với các huyện vùng 30a hỗ trợ 100%. Phần còn lại (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, nếu có), do các địa phương tự đảm bảo.

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ là 374,6 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ đợt này là 234,3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trong dự toán ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2022 (kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành Giáo dục đào tạo là 134,7 tỷ đồng và kinh phí các nhiệm vụ phát sinh khác là 99,6 tỷ đồng).

Trong đó có 9 công trình ở các huyện miền núi cao vùng 30a; 8 công trình ở các huyện miền núi và 12 công trình tại thị xã và các huyện đồng bằng. Chủ đầu tư đối với các công trình nêu trên là UBND huyện, thị xã có liên quan.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan về tính chính xác của các nội dung tham mưu, thẩm định, số liệu báo cáo và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, định mức theo đúng quy định.

Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan, căn cứ nội dung phê duyệt nêu trên, thực hiện các thủ tục nghiệp vụ cấp bổ sung có mục tiêu cho UBND các huyện, thị xã để tổ chức thực hiện theo quy định.

Đối với UBND các huyện, thị xã, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện các công trình theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và pháp luật có liên quan; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, huy động nguồn kinh phí ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có), kết hợp cùng với nguồn kinh phí ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ để thực hiện hoàn thành các công trình; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, hiệu quả và thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

Đầu năm học 2022-2023, theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 3.200 phòng học bán kiên cố, phòng học mượn, phòng học tạm. So với nhu cầu thực tế, toàn tỉnh Thanh Hóa thiếu khoảng hơn 2.000 phòng học chủ yếu ở bậc học Mầm non và Tiểu học.

Đặc biệt việc thiếu phòng học bộ môn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả: Trần Lê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP