Trong tỉnh

Thanh Chương (Nghệ An): Phá hàng chục héc ta rừng để trồng keo

Hàng chục héc ta rừng tái sinh tự nhiên thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ tại xã Thanh An (huyện Thanh Chương) bị “cạo trắng” để trồng keo. Điều đáng nói là sự việc xảy ra nhưng các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý khiến dư luận bức xúc.

Đốn hạ hàng chục héc ta rừng

Người dân xã Thanh An vô cùng bức xúc vì nhiều ngày nay, rừng khoanh nuôi tái sinh hỗn giao tre nứa, gỗ ở khu vực khe Hàn, thuộc tiểu khu 996 bị chặt phá không thương tiếc. Vị trí cây bị chặt, phát ở giáp ranh giữa xã Thanh An và xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương).

Hàng chục ha rừng bị chặt phá

Những ngày cuối tháng 9/2019, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng khe Hàn (thuộc xóm Thượng Lâm, xã Thanh An), nhìn từ trên đỉnh núi xuống, một dải rừng bị phát đốt, cây cối xám đen trải theo hình cánh cung, dài gần 1 cây số, bề ngang từ chân núi lên rộng khoảng 150m. Giữa lưng chừng núi, một hệ thống đường đất dọc, ngang đã được chủ rừng làm, nhiều đoạn còn nguyên vết máy múc rất mới. Cây rừng bị chặt, nhiều cây gỗ có đường kính khoảng từ 15cm đến 40cm, cùng với đó là những khóm nứa, giang bị phát trắng. Càng lên cao, nhiều đám rừng đã bị đốt cháy dở, xen lẫn nhiều bụi tre nứa, cây gỗ bị chặt, lá vẫn còn tươi chưa kịp đốt. Còn một số nơi đã trồng keo lên khoảng 1 gang tay.

Số ít gỗ còn lại chưa được chuyển đi

Một người dân ở xóm Thượng Lâm, xã Thanh An tiết lộ, lô đất rừng có diện tích trên 20ha, từ đầu tháng đến nay, chủ rừng đã tổ chức đốt phá khoảng hơn 10ha. Chiêu thức phá rừng ở đây là cho người phát hết cây nhỏ, cỏ dại để khô rồi đốt trước, còn những cây gỗ sẽ được thu hoạch sau để lấy gỗ và củi đi tiêu thụ. Tiền bán củi, gỗ tiền bù vào khoản kinh phí thuê nhân công.

Có nhiều gốc cây gỗ khá lớn ở hiện trường

Một người dân khác ở bản Muỗng, xã Ngọc Lâm cũng bức xúc: “Sau khi chặt phá, những người phá rừng đã tổ chức thu hoạch nhiều xe gỗ, củi chở ra theo đường từ bản Muỗng đi ra đường Hồ Chí Minh. Nếu không có những trận mưa gần đây thì cả dải rừng này đã bị chặt và thiêu trụi sạch rồi. Những người phá rừng còn thuê máy múc làm đường để dễ phá rừng và sau này chở keo lên trồng. Người dân chúng tôi khó khăn chỉ vào rừng chặt một vài cây là bị phạt nhưng người này vào chặt phá cả chục ha thì không ai kiểm tra”.

Cơ quan chức năng làm ngơ?

Rừng bị phá cả tháng trời nhưng chính quyền địa phương ở đây vẫn không biết. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An nói, đây là những diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh không được phát xẻ, người dân phản ánh là có cơ sở nhưng đó chỉ là phát dây leo còn việc chặt phá gỗ là không có. Cách đây vài ba tháng, xã đã kiểm tra nhưng không thấy. Thực tế, việc quản lý rừng ở Thanh An có nhiều khó khăn do lịch sử để lại, xảy hiện tượng tranh chấp, chồng lấn, chuyển nhượng trao tay. Địa bàn ở xa trung tâm, lại nằm vùng giáp ranh với xã Thanh Thịnh, Ngọc Lâm nên việc quản lý khó, trình độ nhận thức pháp luật người dân còn hạn chế nên dễ vi phạm quy định bảo vệ rừng. Sau khi nghe thông tin này, xã sẽ cho địa chính vào kiểm tra hiện trường.

Nhiều khóm nứa, giang và gỗ bị chặt tại tiểu khu 996, thuộc rừng khe Hàn, xã Thanh An

“Trách nhiệm của xã là quản lý địa giới hành chính trên địa bàn, rừng ở xa, lực lượng mỏng, không chuyên. Trong khi đó, kiểm lâm địa bàn chỉ đóng cách đó không xa” - Ông Nam nói.

Công chức địa chính đất đai xã Thanh An cũng cho biết thêm, diện tích rừng ở nơi bị chặt phát có nhiều chủ rừng. Trong đó, có rừng của ông Lê Ngọc Vân ở thị trấn Thanh Chương nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Viết Nam với hơn 9,5ha. Do xã không có bản đồ lâm nghiệp nên không nắm được chính xác. Diện tích rừng đó được nhà nước giao cho người dân khoanh nuôi bảo vệ nhưng do thấy ít gỗ nên người dân phát xẻ để trồng keo.

Rừng bị phát, đốt nham nhở

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thắng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương lại cho rằng, có một số hộ khi khai thác keo thấy còn một số diện tích rừng tự nhiên thì cắt luôn để chuyển đổi mục đích trồng rừng. Khu vực đó là diện tích của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương chuyển giao lại cho địa phương quản lý, nhưng còn một số diện tích khoán bảo vệ không phải giao đất nên xảy ra tranh chấp giữa một số hộ có bìa đỏ và một số đang có hợp đồng bảo vệ rừng.

Hàng chục ha rừng bị cạo trọc để trồng keo

“Lâu nay cán bộ kiểm lâm bám rất sát, dân báo là vào kiểm tra, thật ra dân chỉ phát dây leo bụi rậm, không phải khai thác rừng tự nhiên. Một số cây mọc lẫn trong đó tái sinh cũng không có giá trị kinh tế. Hiện nay, anh em đã phát hiện ra đó là rừng hỗn giao nhưng người dân không chặt đến và cán bộ kỹ thuật đã kiểm tra. Ở đó, hiện, kiểm lâm đang chuyển cho cơ quan điều tra làm” - Ông Thắng nói.

Được biết, tại khu vực này, cách đây hơn 1 tháng, Cảnh sát môi trường tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 4 đối tượng khai thác và vận chuyển ra khỏi rừng với 4 chuyến xe với tổng số lượng gỗ khoảng hơn 20m3. Số gỗ trên được 4 đối tượng bán cho các cơ sở sản xuất mộc dân dụng, sử dụng chất đốt, lò sấy chè trên địa bàn huyện Thanh Chương.

Tác giả: Đình Tiệp – Tưởng Cao

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP