Pháp luật

Tấm lòng vĩ đại của người mẹ mù

Từ bỏ hạnh phúc riêng để chăm lo cho đứa con nuôi, bà giáo già chỉ nhận lại đắng cay và nước mắt, thậm chí suýt mất mạng dưới tay con nhưng bà không oán hận mà ngày đêm khóc thương đến mù cả 2 mắt.

Bước thấp bước cao theo hai người bạn dìu vào phòng xét xử, đôi mắt bà giáo già Nguyễn Thị Thơm không còn ánh sáng vẫn cố kiếm tìm đứa con trai tội lỗi, đứa con mà theo như xã hội nhìn nhận là “đồ bỏ đi”, đứa con không phải do mình sinh ra nhưng bà còn coi hơn cả sinh mệnh của mình.

38 năm trước, trên đường đi dạy học về bà chợt nhìn thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi bên vệ đường, trong lòng bà trào lên nhiều cảm xúc khó tả, bà quyết định nhận nuôi đứa bé và đặt tên cho con là Nguyễn Thiên Ân với ý nghĩa là báu vật của trời ban tặng.

Gặp lại con bà Thơm mừng mừng, tủi tủi

Dù Ân không phải con ruột mình nhưng bà dồn tất cả tình yêu thương và hy sinh cả hạnh phúc riêng để lo cho con vì bà sợ nếu mình lập gia đình thì Ân sẽ khổ. Thế nhưng, càng lớn Ân càng ngỗ ngược, bỏ mặc lời khuyên can của mẹ, Ân lao vào ăn chơi rồi lao vào ma túy khi mới 14 tuổi và nhanh chóng bỏ học theo đám bạn xấu.

Từ đây, cuộc sống của bà Thơm là chuỗi ngày đầy nước mắt. 23 tuổi, Ân phải đi tù 3 năm vì hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, ra tù anh ta vẫn không thể từ bỏ được con đường tội lỗi. Trượt dài trong nghiện ngập, Ân bị nhiễm HIV, mắc bệnh lao và hàng loạt hội chứng như ảo thanh giả…

Do sử dụng ma túy kéo dài khiến Ân bị rối loạn tâm thần và đã gây ra trọng tội với mẹ. Khoảng 1h sáng ngày 17/2/2016, Ân đang ngủ trên gác thì bà Thơm thức dậy, mở đèn để đi vệ sinh. Ân bực tức, dậy đuổi theo đánh bà mẹ. Bà lão hốt hoảng chạy xuống đất mở được ổ khóa thì bị Ân đuổi kịp, lấy ổ khóa đánh liên tục vào đầu, mặt. Khi thấy bà Thơm bị chảy máu thì Ân dừng đánh, đóng cửa lại rồi bỏ lên gác ngủ.

Nghe tiếng bà Thơm kêu cứu, người dân xung quanh đã báo công an phường, phá khóa cửa nhà, đưa bà Thơm đi bệnh viện cấp cứu. Thoát chết nhưng người mẹ bất hạnh này vẫn bị thương tích tới 67%.

Con trai bị bắt, bà giáo như hóa điên, bà chạy khắp nơi xin bãi nại cho con nhưng không được. Thương con, bà chỉ biết khóc. Cuộc sống của bà từ ngày con bị bắt chỉ toàn là nước mắt, hai năm trời khóc ròng khiến đôi mắt của bà mờ dần, dù được nhiều người khuyên đi điều trị nhưng bà dứt khoát không chịu đi vì sợ “Tôi mổ rồi nằm một chỗ, lỡ thằng Ân ra tòa tôi không ra được thì ai xin cho nó” và dần dần đôi mắt của bà bị mù hẳn.

Ngày TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử, bà Thơm khản đặc gọi tên con “Ân ơi con đâu rồi, xin tòa cho con tôi về, không có nó tôi không sống nổi”. Trái với nỗi đau đớn của người mẹ già, khuôn mặt Ân không biểu lộ cảm xúc, gã chậm rãi khai: “Ba đêm liền tôi mất ngủ nên phải uống rất nhiều loại thuốc khác nhau. Uống thuốc vào lại nghe tiếng nói của nhiều người. Khi ấy tôi thấy mẹ thành người khác chứ không phải mẹ”.

Được mời trả lời các câu hỏi của tòa, bà lão vẫn một mực bao biện cho con “Tôi không làm đơn tố cáo con tôi, cũng không nhờ ai làm đơn thay. Có ai ở đó mà nói con tôi đánh nhiều cái vào đầu tôi? Tôi không đau gì hết. Khi vô bệnh viện tôi không hôn mê, không sốt, không ói”.

Trước sự mù quáng của người mẹ, vị đại diện VKS phân tích “Bị cáo phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do dùng chất kích thích mạnh (ma túy) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, bà Thơm vẫn một mực khóc “Cho con tôi về đi không tôi chết mất”.

Do vụ án đặc biệt nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài, lúc này bà Thơm vẫn không giữ được bình tĩnh, tiếp tục kêu khóc, níu tay cảnh sát dẫn giải nức nở “Chú ơi cho tôi vào Chí Hòa với, cho tôi vào Chí Hòa ở với con tôi”.

Cảm thông với tình cảnh của bà giáo già, TAND quận Bình Thạnh đã quyết định tuyên phạt bị cáo Ân 2 năm 2 tháng 2 ngày tù, đúng với thời hạn tạm giam và trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Thấy con được trả tự do, bà Thơm khụy xuống vì xúc động, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt, luôn miệng cảm ơn HĐXX. Được luật sư và mọi người động viên nhanh đứng dậy về nhà chuẩn bị đi đón con, bà bật cười trong nước mắt: “con tôi nó được về rồi”.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP