Xã hội

Tấm gương sáng ngời cả một đời vì nước vì dân…

Không chỉ để lại cho dân tộc một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cách mạng - phẩm chất tận trung với nước, tận hiếu với dân. Điều này được thể hiện rõ nét suốt trong quá trình sống và hoạt động cách mạng của Người.

Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 17/7/1960. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi nước nhà bị thực dân xâm lược, triều đình phong kiến bạc nhược, ươn hèn, sẵn sàng bán nước và làm tay sai cho giặc; các phong trào của các bậc sỹ phu yêu nước tuy sôi nổi, mạnh mẽ nhưng cuối cùng đều thất bại.

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một dân tộc mất độc lập, người dân mất tự do. Nỗi đau ấy, cùng với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến đã trở thành nguồn lực vô tận, thúc giục người thanh niên mới vừa tròn 21 tuổi quyết chí lên đường ra đi tìm đường cứu nước.

Suốt đời vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân

30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã phải làm mọi công việc, gặp biết bao khó khăn, nguy hiểm (sự săn lùng của mật thám trong nước; 2 lần bị giam cầm trong ngục tù đế quốc và phản động quốc tế; bị kẻ thù tuyên án tử hình…) nhưng Người luôn bền chí, quyết tâm vượt qua, để hướng tới một mục đích cao cả:

“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Nhờ những năm tháng đó, Người đã học hỏi được nhiều “tinh hoa và tiến bộ” từ các nước phương Tây, góp phần to lớn, quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam, thống nhất đất nước sau này.

Sau khi trở về Tổ quốc, rồi trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những quyết sách đúng đắn trong những vấn đề then chốt liên quan đến sự an nguy của Tổ quốc như: tổ chức, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công; tạm hòa với quân Tưởng để tập trung lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ và Nam Trung bộ; nhân nhượng Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Nhờ chủ trương đúng đắn, sáng suốt và những quyết sách kịp thời, sáng tạo đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua được những thách thức hiểm nghèo; xây dựng tổ chức, lực lượng; vững vàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài và từng bước giành thắng lợi.

Đánh giá trí tuệ mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phidel Castro và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba đã viết: “Hiếm có một nhà lãnh đạo trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy”.

Không chỉ hết lòng vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất mực thương dân. Người đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân; chịu khổ trước dân, vui hưởng sau dân; dựa vào dân, lấy dân làm gốc... Dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian gặp gỡ các tầng lớp nhân dân; viết thư thăm hỏi, tặng quà cho những người cao tuổi mẫu mực, những thanh, thiếu niên, nhi đồng học hành chăm ngoan, làm nhiều việc tốt; gương mẫu thực hiện tiết kiệm, “10 ngày nhịn ăn một bữa” để chia sẻ với đồng bào nghèo đói…

Có thể thấy, ý chí cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như người đã bộc bạch: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”; hay “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chính lòng yêu nước thương dân ấy, mong muốn ấy đã trở thành niềm động viên to lớn, truyền thêm sức mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, ủng hộ kháng chiến, tham gia kháng chiến và giành thắng lợi.

Sau khi nước nhà được độc lập, với tư cách là người đứng đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” nên phải làm sao cho mọi người được ăn no mặc ấm, được sung sướng, tự do. Người yêu cầu, Đảng và Nhà nước, cán bộ đảng viên phải nhận thức rõ điều đó, phải phấn đấu cho mục tiêu đó.

Học tập và làm việc theo gương Bác

Thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta có những bước chuyển biến tích cực tạo nên những thuận lợi cơ bản cho sự thắng lợi của mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập, trong đó có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây dư luận xấu trong nhân dân, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn đang cấu kết, âm mưu chống phá nước ta trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là chính trị, kinh tế, văn hóa.

Để góp phần làm lành mạnh đời sống tinh thần xã hội, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng, việc học tập và làm việc theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là tinh thần “vì nước quên thân, vì dân quên mình” là một đòi hỏi tất yếu, vừa có ý nghĩa thường xuyên, lâu dài, vừa mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay.

Tác giả: Minh Duyên
Nguồn tin: Báo Pháp Luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP