Kinh tế

"Sống sang là phải biết chi li đến từng 1.000 đồng"

Người càng có nhiều tiền, càng sống sang thì họ càng cân nhắc nhiều hơn trong chi tiêu.

Bài viết Tâm sự của tài xế công nghệ: "Chuyến xe 30.000 mà khách trả 100.000. Sống thế mới sang!" của tôi được đăng tải cách đây chưa lâu đã tạo nên chủ đề thu hút nhiều chiều dư luận. Nhiều người đồng tình với câu chuyện về người tài xế lái xe công nghệ đánh giá một người sống sang qua cách họ đã tip cho anh. Đấy là góc nhìn riêng của anh ấy. Song song đó, cũng có ý kiến ngược chiều. Phần lớn trong số này cho rằng những người tip số tiền đến hơn một nửa giá trị cuốc xe lại chính là những người còn khó khăn, chưa thực sự sống sang.

Quan điểm "thấy thương" nên tip cho các tài xế công nghệ chiếm chủ đạo. Theo góc nhìn của tôi, tip vì thấy thương đã đi chệch, không hoàn toàn đúng với khái niệm cơ bản của tip. Tip là món tiền nhỏ để cảm ơn, để ghi nhận giá trị phục vụ nhận được cao hơn so với kỳ vọng cơ bản.

Một ý kiến làm tôi nhớ hoài là: "Đa số những ông khách sộp toàn là những người nghèo". Ý kiến khác thì không ủng hộ việc tip: "Sao không tập thói quen sòng phẳng nhỉ? Thuận mua vừa bán, đã tính đủ công rồi mà còn muốn người khác có lòng hảo tâm mới vừa lòng".

Và rất nhiều bình luận khác liên quan đến quan điểm sống sang.

Đầu tiên, có lẽ cần phải khẳng định sống hào phóng và sống sang là hai phong cách khác nhau. Nhưng nó lại liên tục bị lầm tưởng thành một và nhiều khi được sử dụng thay thế cho nhau. Sống hào phóng là sẵn sàng cho đi rất nhiều, thậm chí tất cả những thứ mình đang có nếu người nhận tạo cảm giác tích cực cho người cho. Ngược lại, sống sang liên quan nhiều đến tư duy về hình ảnh ăn mặc, nói năng, cách tiêu dùng. Đa phần người sống sang thực thụ chính là những người có tiền. Còn người hào phóng thì chưa chắc.

Người sống sang qua trui rèn sẽ trông rất khác với những người sang "xổm", sang một cách thể hiện. Những người sống sang thực thụ sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn và thường ít khi nào khoe mẽ. Sự khiêm nhường này thường xuất phát từ chính những bài học mà họ đã từng trải qua. Những thành công của hiện tại là lời đáp cho những nỗ lực không mệt mỏi, thậm chí phải giẫm đạp lên đau khổ để vươn lên.

Sống sang thì đến 1.000 đồng cũng cần phải cân nhắc khi chi tiêu. Ảnh minh họa.

"1.000 đồng cũng là tiền"

Quan sát những người sống sang, họ từng trải hơn rất nhiều so với những người sống hào phóng. Họ suy tính, cân nhắc cẩn thận trước mọi quyết định cho ai đó một thứ gì đó. Hào phóng thì cứ cho đi, không quan trọng trải nghiệm. Miễn người nhận vui. Nhưng những người đã kinh qua sẽ hiểu người nhận có sử dụng nó hiệu quả hay không.

Tôi từng nghe một người chị (tạm thuộc người sống sang theo định nghĩa của tôi) luôn suy nghĩ mình nên làm gì để người nghèo bớt nghèo bằng kế sinh nhai bền vững chứ không thể nào cứ biếu tiền cho họ hoài. Sau đó, chị góp cổ phần mở một doanh nghiệp xã hội để tuyển dụng những người này vào làm việc. Từ đó, đồng tiền được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Chị nghĩ nhiều là vậy nhưng đến từng nghìn đồng cũng không qua được mắt chị. Bằng con mắt kinh doanh lành nghề, bất kỳ hao hụt nào chị cũng có thể biết được. "1.000 đồng cũng là mồ hôi nước mắt. Sống sang không có nghĩa là mình xài phung phí. Xài 1.000 đồng như thế nào cho có lợi, tiền sinh ra được tiền chính là nghệ thuật", lời chị nói với tôi hồi trước dịch Covid-19 còn nguyên giá trị.

Tôi cảm nhận được vì sao chị nói như thế bởi để có được cơ ngơi hôm nay chị đã phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu. "Không phải mình keo 1.000 đồng đâu nhưng cần sử dụng nó hợp tình, hợp lý", chị nói thêm.

Để nói những người sống sang là những người tip cũng có mặt đúng nhưng không hoàn toàn đầy đủ. Có thể người tip mạnh tay kia cũng đang khổ nhưng thương xót cho anh tài xế. Hoặc họ chỉ đơn thuần muốn cho tiền cho rồi để đỡ nghe lời van nài.

Sống sang hay không thì chỉ chính họ mới biết. Mỗi người được quyền chọn lối sống riêng cho mình!

Tác giả: Dy Khoa

Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP